Với lợi thế và tiềm năng về đất đai nên những năm qua, huyện Quỳnh Lưu đã khuyến khích bà con các xã miền núi trồng cây nhang bài để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hương trầm. Toàn huyện hiện có gần 500ha cây nhang bài, tập trung ở các xã: Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Tân Thắng Quỳnh Tân… Trong đó, xã Quỳnh Thắng có diện tích lớn nhất với 350ha.
Mỗi ha trồng nhang bài, bà con sẽ thu hoạch được gần 4 tấn bột nguyên liệu khô. Với giá bán 50 - 60 triệu đồng/tấn, mỗi ha bà con thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Do đó ngoài việc động viên bà con ổn định diện tích, hiện nay xã Quỳnh Thắng còn tích cực xây dựng làng nghề sản xuất hương trầm tại xóm 1,2,3 và xóm 13.
Bà Trần Thị Yên ở xóm 1, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Đất ở Quỳnh Thắng đây trồng nhang bài hợp lắm, không có cây gì lợi nhuận hơn nhang bài. Nhà tôi trồng gần 1ha mỗi năm cũng thu nhập cả trăm triệu đồng”.
Có sẵn nguồn nguyên liệu bột nhang bài khô với giá thành hợp lý, nên người dân Quỳnh Lưu đã phát triển nghề sản xuất hương trầm ở các xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hồng, Quỳnh Châu, Quỳnh Tân… Trong đó, Quỳnh Đôi được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ năm 2011. Đến nay, làng nghề đã có gần 20 hộ tham gia sản xuất thường xuyên với 60 lao động. Bình quân mỗi năm, bà con làng nghề sản xuất được khoảng 205.000 búp hương trầm với tổng doanh thu gần 1,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Thời điểm này, các hộ đang tất bật sản xuất để chuẩn bị cho vụ hương Tết năm 2020. Sản phẩm đã được bán tại thị trường miền Nam. Xã cũng động viên bà con làm nghề chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã để hương trầm làng Quỳnh đi được xa hơn”.
Hiện nay, để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Canh Tý 2020, bà con làng nghề đang tích cực sản xuất và đóng gói sản phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa nâng cao thu nhập. Theo bà Nguyễn Thị Huê – chủ cơ sở sản xuất trầm Hương Quỳnh, làng nghề xã Quỳnh Đôi, đến thời điểm này, bà con đã sản xuất được khoảng 50% sản lượng, đóng gói và dán nhãn.
Tết đến xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả, nồi bánh chưng xanh, mỗi gia đình Việt Nam đều có thêm những búp hương trầm để vị Tết thêm đậm đà. Theo chân người, hương trầm xứ Quỳnh đã góp phần làm nên hương vị Tết Việt đậm bản sắc ở nhiều vùng quê./.
Tác giả bài viết: Lê Nhung
Nguồn tin: truyenhinhnghean.vn
Ý kiến bạn đọc