Giữ vững bản lĩnh nhà báo, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng

Thứ hai - 20/04/2020 22:11 635 0
Trong bất kỳ giai đoạn nào, người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh của mình, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020), Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi cùng nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về trách nhiệm, chuẩn mực của người làm báo trong tình hình mới.

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, một bước khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của Hội đối với giới báo chí. Thưa ông, Chỉ thị số 43-CT/TW có tầm quan trọng thế nào đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và đối với người làm báo hiện nay?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam luôn thể hiện vị trí, vai trò quan trọng là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh, chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là niềm vui, niềm cổ vũ lớn đối với Hội và báo giới cả nước. Chỉ thị này đề cập toàn diện các mặt hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Chỉ thị số 43 không chỉ khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với báo chí mà còn thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.

Đây là cơ sở để các cấp uỷ Đảng, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản đề ra chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho Hội hoạt động hiệu quả.

Qua Chỉ thị 43, các cấp hội, toàn thể đội ngũ những người làm báo càng thấy rõ trách nhiệm của mình để từ đó nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam luôn thể hiện vị trí, vai trò quan trọng là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh, chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Ông có thể cho biết việc xây dựng tổ chức Hội thời gian qua có những điểm mới nào đáng chú  ý?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả của báo chí đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, Hội nghị thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam được khai mạc vào ngày 21/4/1950 tại chiến khu Việt Bắc.

Ra đời trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất, đó là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Tính đến hết tháng 2/2020, Hội Nhà báo Việt Nam có 25.038 hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội. Trong 5 năm qua, Hội đã tổ chức hơn 500 lớp học về bồi dưỡng nghiệp vụ với gần 16.000 hội viên tham dự. Bên cạnh đó, Hội nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia trở thành giải thưởng nghề nghiệp cao quý nhất của giới báo chí; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hàng chục giải báo chí chuyên ngành; tổ chức Hội Báo toàn quốc chất lượng, thiết thực, hiệu quả…  

Đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước.

Trong những năm gần đây, Hội đã tiến hành hàng loạt biện pháp để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đây là ba yếu tố căn cốt nhất, có tính chất sống còn đối với phẩm chất, năng lực của người làm báo.

Hội rất chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, về lĩnh vực báo chí nói riêng. Qua đó, mỗi hội viên, mỗi cấp hội thấm nhuần tinh thần làm báo là làm cách mạng, cán bộ báo chí là cán bộ của Đảng, làm nghề là vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Thời gian qua, Hội Nhà Báo Việt Nam tập trung cao độ, quyết liệt nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo. Hội đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” có hiệu lực từ 1/1/2017 cùng với Luật Báo chí 2016.

Từ đó  đến nay, có thể thấy rằng báo chí càng ngày càng phát triển đúng hướng hơn và các hành vi sai trái vi phạm cả pháp luật và đạo đức người làm báo đều giảm đi rất là rõ rệt. Có thể lấy một ví dụ rõ nét khi Hội Nhà báo Việt Nam đã cụ thể hoá điều 5 trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Điều 5 quy định nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, từ đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã nghiên cứu và ban hành thêm bản Quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo, trong đó quy định 4 điều nên làm và 8 điều không được làm, được giới báo chí và dư luận rất hoan nghênh.

Báo chí luôn thể hiện vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, báo chí vẫn luôn giữ tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, có phải không, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Dù ở trong bất kỳ khó khăn, thử thách nào, báo chí cũng góp phần quan trọng và đáng tự hào vào thành tựu chung của đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 400 nhà báo liệt sĩ, nhiều phóng viên hy sinh trên tư thế người chiến sĩ trên mặt trận. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy.

Bước sang thời đại công nghiệp 4.0, báo chí là kênh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có định hướng liên quan đến đất nước, đời sống nhân dân. Nhất là khi bất kỳ ai cũng có thể lên mạng xã hội để phát tán thông tin, báo chí chính là câu trả lời cho những gì mạng xã hội nêu lên.

Ngay lúc này, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã và đang bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch.

Thậm chí, khi những tin đồn, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, báo chí cũng là lực lượng tiên phong để kiểm chứng thông tin, dập tắt tin đồn. Từ  đó, giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chung sức đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh. Rõ ràng, ở trong bất cứ thời kỳ nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của những người làm báo cũng luôn luôn được phát huy.

Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, đang nổi lên như điểm sáng, bài học quý cho thế giới trong trận chiến chống dịch COVID-19, đây là nhờ nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng của báo chí.

Tuy vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động báo chí thời gian qua vẫn còn một số bất cập, khuyết điểm.

Thời gian qua hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại liên quan tới đạo đức, tác phong của người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam đã có những biện pháp nào để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Vấn đề này liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề báo. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, gắn với việc vụ lợi thì chắc chắn để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí.

Trong bất kỳ giai đoạn nào, người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh của mình, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cùng với đó, người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội. 

Để giữ vững kỷ cương trong hoạt động nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đã thành lập và đi vào hoạt động có nề nếp gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ trung ương xuống cơ sở

Hội đã đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi đăng và gỡ bài trên báo điện tử để ngăn chặn tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” và phần mềm này đã phát huy tác dụng ngay lập tức. Trước đây hàng tuần, có hàng trăm bài báo được đăng lên và sau đó gỡ đi, nhưng bây giờ cả tuần có khi chỉ có một vài bài.

Gần đây, Hội còn áp dụng thêm phần mềm theo dõi cả việc sửa bài trên các bài đã đăng trên báo điện tử. Bây giờ cơ quan báo chí nào đăng lên mà gỡ đi, hoặc sửa đều phải giải trình lý do và lý do để gỡ đi hoặc sửa chủ yếu là do thông tin không chính xác chứ không có chuyện vụ lợi, cài cắm lợi ích cá nhân.

Đó là một điều rất đáng mừng, cho thấy rằng việc ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” kèm theo đó là các biện pháp, các công cụ để kiểm soát, giám sát đã phát huy tác dụng.

Tác giả bài viết: Nhật Nam (thực hiện)

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dichvucongqd
Chăm sóc khách hàng điện lực miền bắc
TTGT Việc làm Nghệ An
Trả lời cử chi
Tra cứu tin nhắn Bảo hiểm
Tra cứu Bảo hiểm trực tuyến
Giải quyết khiếu nại tố cáo
Dự báo thời tiết
Ngày này năm xưa
Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về Website?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay750
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập78,247
GIỜ LÀM VIỆC
Mùa Đông
Buổi sáng 7h30 - 12h
Buổi chiểu 13h30 - 17h
Mùa Hè
Buổi sáng 7h - 11h30
Buổi chiều 13h30-17h
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây