Vụ hè thu năm nay, xã Quỳnh Đôi gieo cấy được 200 ha/KH 232 ha, đạt 86,2% so với KH. trong đó cơ cấu chủ yếu giống ngắn ngày, như nếp 97, Thiên ưu 8, Lai thơm 6... ; đến nay lúa đã chuyền sang giai đoạn trưởng thành, chuẩn bị đứng cái làm đòng, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích bị kho hạn kéo dài như vùng Cao ban, Cao Na thôn 1; vùng Đẻn, Đồng tương thôn 2, Vùng đồng tương, Tây Đá thôn 3... làm ảnh hưởng đến sự phát triển cây lúa. Trong giai đoạn này tình hình sâu bệnh diển biến phức tạp, nhất là sâu cuốn lá nhỏ lứa 4, lứa năm, sâu đục thân, Bạc lá, Rây nâu, rầy lưng trắng..., để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế tối đa sâu bệnh phá hại, tạo tiền đề cho cây lúa đạt tối đa năng suất, xin giới thiệu đến bà con nông dân một số biện pháp kỷ thuật chăm sóc giai đoạn lúa trổ đòng và phòng trừ sâu bệnh như sau:
1. Chăm bón lúa đón đòng
* Vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất lúa là chọn thời điểm bón đón đòng, thời điểm này là thời gian sinh trưởng của giống theo khuyến cáo trừ đi 62 - 65 ngày (Đứng cái-trỗ = 30 ngày; Trỗ-chín = 28 - 30 ngày) . Bà con quan sát thấy lúa tròn khóm, tròn cây, bộ lá đứng và cứng hơn; Đặc biệt lá trên cùng của cây cái (Cây to cao nhất trong khóm) có thắt eo, lá hơi co lại ở vị trí cách chóp lá từ 4-6cm. Khi bóc bẹ cây cái thấy hình thành 3 lóng to, dài rõ rệt (2 ngắn và 1 dài ở giữa). Khi đó cây cái bắt đầu vào phân hóa đòng, cây con sẽ chậm hơn vài ngày; Đây là thời điểm bón đón đòng tốt nhất để thúc đẩy cây con phân bào tạo bông to, nhiều hạt. Lượng phân bón đón đòng từ 8 - 10kg NPK 12.5.10/sào hoặc bón 2-3kg ure + 3-4 kg kali/sào kết hợp với việc duy trì mực nước trên ruộng 2 – 3 cm, đảm bảo cho cây lúa làm đòng được thuận lợi.
2. Phòng trừ sâu bệnh:
Qua kiểm tra đồng hiện nay đã xuất hiện nhiều loại sâu trên cây lúa cụ thể: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bạc lá,.. . Dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng xen kẽ có mưa rào là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, rây nâu có khả năng gây hại nặng trên diện rộng. Để chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh, đề nghị bà con vận dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
* Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phun trừ kịp thời khi sâu non đang ở tuổi 1, tuổi 2, khuyến cáo chỉ phun thuốc ở những diện tích có mật độ sâu lớn hơn 50con/m 2 bằng một trong các loại thuốc hoá học sau:
- Clever 150SC: Pha 4,5ml vào bình10 lít nước, phun 2 bình/sào;
- Opulent 150SC: Pha 6ml vào bình16 lít nước, phun 1 bình/sào;
- Padan 95SP: Pha 25g vào bình12 lít nước, phun 2 bình/sào;
- Vitako 40WG: Pha 3g vào bình16 lít nước, phun 1 bình/sào;
- Emagold 6.5WG: Pha 5g vào bình10 lít nước, phun 2 bình/sào;
- Voliam Targo 063SC: Pha 15ml vào bình16 lít nước, phun 1 bình/sào;
- Mikmire 14.5WG: Pha 2,5g vào bình12 lít nước, phun 2 bình/sào,…
* Đối với sâu đục thân
Sâu đục thân gây hại biến đổi tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tuổi phát dục của sâu. Lúa từ thời kỳ mạ đến lúc trỗ bông đều có thể bị hại. Cây mạ khi còn nhỏ bị hại có thể chết khô, nếu mạ đã lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ.
Cây lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, sâu đục vào phần dưới của thân, cắt đứt tổ chức bên trong phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị cuốn dọc, có màu xanh tái sẫm, dần chuyển sang màu vàng và héo khô.
Thời kỳ lúa đứng cái làm đòng, sâu non tập trung phá hại phía trong bẹ và đục vào ống.
Thời kỳ trỗ bông, sâu đục vào cuống bông, cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng của bông lúa hoặc sâu tuổi nhỏ tập trung cắn nát đòng, bông lúa không trỗ hoặc nếu trỗ thì các hạt bị lép trắng (bạc bông).
Khi kiểm tra đồng thấy mật độ trứng sâu đục thân lúa hai chấm khoảng 0,5 ổ/m2 ở giai đoạn làm đòng và theo dõi bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trỗ từ 5 - 7 ngày thì sử dụng thuốc BVTV để phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: DuponTMprevathon 5SC, Virtako 40WG, Alocbale 40EC, Regent 800WG, Enasin 32WP… nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì thuốc.
+ Lưu ý: Phun đủ 25 - 30 lít nước thuốc đã pha/sào (360 m2). Khi phun thuốc trừ sâu đục thân bướm 2 chấm trong thời gian 4 giờ mà gặp mưa thì nhất thiết phải phun lại.
* Rây nây, rầy lưng trắng
Rầy nâu có thể xuất hiện vào bất cứ giai đoạn sinh trưởng nào của cây lúa. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, thức ăn đầy đủ thì từ lúc trứng nở đến khi trưởng thành chỉ mất khoảng 15-20 ngày. Do đó, trong 1 vụ lúa 3 tháng, có thể có 3 lứa rầy nối tiếp nhau, lứa sau nhiều hơn lứa trước. Mật độ rầy được tích lũy ngày càng cao, đến lúc có thể gây hại cho ruộng lúa. Có 2 nhóm rầy nâu giống nhau về hình dạng và tập quán sinh sống, chỉ khác nhau về mặt kích thước. Rầy nâu nhỏ (Laodelphax striatellus) có kích thước nhỏ hơn và màu sắc đen hơn nhóm rầy nâu thường gặp.
+ Mô cây tại các vết chích hút và đẻ trứng của rầy trên thân cây lúa bị hư do sự xâm nhập của một số loài nấm, vi khuẩn. .
+ Phân rầy nâu tiết ra có chất đường thu hút nấm đen tới đóng quanh gốc lúa, cản trở quang hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
+ Rầy nâu thường truyền các bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá cho cây lúa, nghiêm trọng nhất là bệnh lùn xoắn lá. Triệu chứng để nhận diện bệnh này là bụi lúa vẫn giữ màu xanh dù đã đến lúc thu hoạch, chóp lá xoắn lại, lá rách dọc theo bìa, cây đâm thêm chồi ở các đốt phía trên. Nhìn chung, cả bụi lúa lùn hẳn và lá có màu xanh đậm. Mức độ lùn của cây lúa còn tùy thuộc vào thời gian lúa bị nhiễm bệnh:
Nếu cây lúa bị nhiễm bệnh sớm, trong tháng đầu sau khi sạ, bụi lúa lùn hẳn và thất thu hoàn toàn.
Nếu cây lúa bị nhiễm bệnh muộn hơn, bụi lúa bị lùn ít và có thể trổ bông nhưng rất ít hoặc đòng lúa không thoát ra được, hạt bị lép nhiều, năng suất thất thu khoảng 70%.
Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh muộn hơn nữa, từ khi lúa tròn mình trở về sau, bụi lúa sẽ không lùn và có thể trỗ bông nhưng bông lúa bị lép nhiều và có thể thất thu đến 30%.
Có thể tự kiểm tra thời điểm phun thuốc ở ruộng dựa vào mật độ rầy khi điều tra, cách làm như sau: Điểm kiểm tra cách bờ 1-2m và cách nhau 4-5m. Kiểm tra khi ruộng có nước, vào 9-11giờ sáng. Tại mỗi điểm kiểm tra, vạch gốc lúa đoạn dài 2-3m, vỗ nhẹ vào gốc lúa, quan sát thấy có rầy ước chừng 10-20con/khóm là thời điểm phun thuốc trừ rầy. Những loại thuốc trừ rầy nội hấp đặc hiệu đáng tin cậy có uy tín cao trên thị trường có tên thương phẩm là: Oshin 20WP; Actara 2EC; Cruise-plus 312,5FS; Admire 50EC; Confidor 70WG; Sutin 5EC. Về nồng độ, liều lượng cần căn cứ vào mật độ rầy, tuổi rầy để quyết định. Thông thường, khi đa số là rầy tuổi nhỏ (trên 50% số rầy tuổi 1-3) mật độ thấp dưới 15con/khóm phun thuốc với nồng độ, liều lượng như hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Mật độ 20-60con/khóm, tăng nồng độ lên gấp 1,5lần. Mật độ cao trên 60-100con/khóm, tăng nồng độ, liều lượng gấp 2lần để diệt rầy bằng cả hai con đường tiếp xúc và nội hấp.
* Bênh bạc lá ở lúa
Điều kiện để bẹnh bạc lá phát sinh ở lúa là gió mạnh trên diện rộng, nền nhiệt độ trung bình từ 25-260C, ẩm độ từ 85-90%. Điều kiện thời tiết này rất thuận lợi cho bệnh bạc lá phát sinh gây hại. Bệnh bạc lá thường gây hại vào tháng 4-6 và tháng 8-10 khi lúa ở giai đoạn đòng - chín sữa, đặc biệt lây lan mạnh khi thời tiết mưa nắng xen kẽ có gió lốc. Bệnh làm giảm khả năng quang hợp, cây lúa sinh trưởng kém, nếu lá đòng cháy sẽ gây ra hiện tượng lép lửng, ảnh hưởng đến năng xuất và chất lượng gạo.
Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
Bệnh bạc lá do vi khuẩn Xanthomonas Oryzae gây lên. Bệnh thường phát sinh đầu tiên ở rìa lá, mút lá sau đó lan dần vào trong phiến lá tạo thành các vết dài màu xanh nhạt sau chuyển thành màu trắng xám. Giữa phần lá bệnh và không bệnh thường có đường gợn sóng, vào sáng sớm có thể quan sát các giọt dịch vi khuẩn tròn nhỏ màu vàng nâu trên mép lá.
Đặc điểm lây lan và phát triển
Bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại nặng khi nhiệt độ không khí khoảng 26-30 độ C, ẩm độ không khí trên 90%. Vi khuẩn gây bệnh bạc lá xâm nhập vào lá lúa qua khí khổng và các vết thương cơ giới trên lá. Tùy vào thời tiết (mưa, bão) và sự va chạm của các lá lúa sẽ làm lây bệnh trên đồng ruộng ở không gian rộng hay hẹp.
Vi khuẩn Xanthomonas Oryzae có thể tồn tại trên thóc, tàn dư cây bệnh hoặc ở dạng keo vi khuẩn, ở cỏ dại khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại.
Biện pháp phòng trừ
- Bón phân cân đối, không bón thừa đạm.
- Khi ruộng lúa có triệu chứng bệnh dừng việc sử dụng phân đạm, phun phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng, luôn giữ đủ nước trong ruộng.
- Cấy với mật độ hợp lý, sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu tốt.
Biện pháp hóa học: Khi lúa bị bệnh có thể sử dụng các loại thuốc hóa học sau để phun trừ: Sasa 20WP, 25WP; Kaisin 50, 100WP; Kamsu 2SL, 4SL; Kasumin 2SL,…
UBND xã khuyến cáo và đề nghị nhân dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh để lúa phát triển tốt, sử dụng linh hoạt biện pháp kỹ thuật bón đón đòng để lúa vụ Hè Thu đạt năng suất cao nhất./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Bá Phương
Nguồn tin: quynhdoi.gov.vn
Ý kiến bạn đọc