Ngày 16/7/2020 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, nhiều nội dung nổi bật tại thông tư này mà mọi người cần lưu ý.
Không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng
Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:
- Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
- Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc đặt tên không có quy định cụ thể. Nhiều người tên quá dài, dẫn đến việc khi làm giấy tờ tùy thân, bằng lái xe phải viết tắt chữ đệm. Thậm chí, một số cá nhân đã phải xin đổi tên vì tên quá dài dẫn đến việc không thể đăng ký một số dịch vụ như làm thẻ ngân hàng.
Chính vì vậy, việc đặt tên cho trẻ phù hợp không chỉ đúng pháp luật mà còn tránh những rắc rối về sau khi trẻ lớn lên.
Thông tư 04 còn có nhiều điểm đáng lưu ý khác:
Ông bà đi khai sinh cho cháu không cần giấy ủy quyền
Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định: Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.
Như vậy, kể từ ngày 16/7/2020, khi Thông tư 04 của Bộ Tư pháp có hiệu lực, ông bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em đi đăng ký khai sinh cho trẻ không cần có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ.
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Tác giả bài viết: Tùng (Theo Thư viện Pháp luật)
Nguồn tin: toquoc.vn
Ý kiến bạn đọc