Diễn văn buổi lễ kỷ niệm 640 năm thành lập Làng Quỳnh Đôi và Lễ hội Kỳ phúc 2018

Chủ nhật - 20/10/2019 22:20 1.383 0
Diễn văn phát biểu của đồng chí Hồ Quang Tuấn Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã tại Lễ kỷ niệm 640 năm thành lập Làng (1378 - 2018) và Lễ hội Kỳ phúc năm 2018.
Đ/c Hồ Quang Tuấn - PBT Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã phát biểu diễn văn buổi lễ
Đ/c Hồ Quang Tuấn - PBT Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã phát biểu diễn văn buổi lễ
Kính thưa: Quý vị đại biểu, các vị khách quý !
Kính thưa:Toàn thể nhân dân và các cháu học sinh yêu quý !
Quỳnh Đôi là một làng văn hóa cổ có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng và khoa bảng. Vào đầu Thế kỷ 14, Ông Hồ Kha một quan chức đời Trần đã về xem phong cảnh vùng này, tuy không phải là sơn thuỷ hữu tình nhưng lại là một mảnh đất “Đinh phong dẫn mạch, tinh thuỷ đáo đườn ” hay còn gọi là “Địa linh nhân kiệt ”. Năm 1378 Ông Hồ Kha giao cho con trai Trưởng là Hồ Hồng cùng với Ông Nguyễn Thạc và Ông Hoàng Khánh trụ lại khai cơ lập Làng với tên gọi  ban đầu là “Thổ Đôi”. Tiếp theo là các Ông Tổ họ Dương, họ Phan, họ Phạm cùng đến đây chung sống xây dựng trang ấp. Đất lành chim đậu, không lâu sau các dòng họ khác cùng lần lượt tới  đây sinh sống, lập nghiệp trong một cộng đồng Thổ Đôi trang. Đến năm 1528 Ông Hồ Nhân Hy (Đời Mạc)  đổi tên Quỳnh Đôi thôn, tức xã Quỳnh Đôi ngày nay.
       Từ buổi đầu khai cơ lập ấp kinh tế Quỳnh Đôi chủ yếu là trồng lúa nước, để duy trì và phát triển dân làng phải vất vả, nhọc nhằn trong việc quai đê ngăn mặn, đắp đập, đào kênh tiêu úng, thau chua, rữa mặn, san cồn, cuốc bãi cải tạo ruộng đồng, với biết bao xứ đồng mà tên gọi vẫn lưu truyền đến tận ngày nay như: đập bản, đầm tả mạc, hói nồi, hói ván. v.v. Cùng với việc trị thủy là việc san lấp gò, cồn tạo ra những mãnh đồng bằng phẳng như, cồn môi, cồn dứa, lộ lội, rục chả, rục lùm. v.v. Những địa danh mới chỉ nghe tên mà đã hình dung được sự vất vả nhọc nhằn của cả cộng đồng người Quỳnh Đôi trải qua bao thế hệ  phải gồng mình để cải tạo tự nhiên, chống chọi với thiên tai, xây đắp nên cơ đồ để lại cho hậu thế những cánh đồng mầu mỡ ngô, lúa xanh tươi. Ngoài việc trồng trọt, kinh tế làng Quỳnh dần du nhập về những nghề mới như: nghề mộc do bà Trương Thị Thành phu nhân của Quận công Hồ Sỹ Dương mang về, nghề dệt lụa một nghề nổi tiếng của phụ nữ làng Quỳnh từ thế kỷ thứ 17 do phu nhân của Quận công Hồ Phi Tích mang từ Hà Đông về phổ biến cho phụ nữ trong làng;  nghề làm bún do bà Châu Ngọc Bội vợ tri huyện Nguyễn Thụ mang về truyền lại cho dân đến nay bún làng Quỳnh vẫn nổi tiếng với hương vị riêng không lẫn vào đâu được; nghề hương trầm đã có từ lâu nay vẫn được duy trì và phát triển thành một làng nghề truyền thống; cứ theo thời gian một số nghề mới do số người đi xa mang về thành những nghề phổ biến trong làng; lúc này kinh tế Quỳnh Đôi xuất hiện tầng lớp tiểu thương và thương nghiệp bắt đầu phát triển, do nhu cầu trao đổi hàng hoá nên chợ Nồi được hình thành vào khoảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, từ đó chợ Nồi trở thành trung tâm buôn bán nhộn nhịp của cả vùng. Tuy qua nhiều lần thay đổi địa điểm do chiến tranh tàn phá nhưng cái tên chợ Nồi vẫn  gắn bó với làng Quỳnh Đôi.
         Nói về văn hoá chúng ta phải nhắc tới sự kiện đầu tiên vào năm 1440 khi thầy Dương Văn Khai được mời về làng dạy học, là người thầy đầu tiên của Làng, Người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng sau này, đây là nét chủ đạo trong  bản sắc văn hóa làng Quỳnh xuyên sốt thời gian, đưa làng Quỳnh  nổi  danh với câu truyền khẩu “Bắc  hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” và  truyền thống đó được phát huy cho đến ngày nay.
Người Quỳnh Đôi tự hào về truyền thống khoa bảng của ông cha, là nơi sinh ra những bậc hiền tài xuất chúng, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Ước tính từ năm 1378 đến 1918 khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, Làng Quỳnh có 734 người đậu Tú tài và cử nhân. Trong đó có 88 người thi Hội trúng Tam trường; 4 Phó bảng, 7 Tiến sỹ, 2 Hoàng Giáp, 1 Thám hoa, tiêu biểu là Ông Hồ Sỹ Dương 3 lần đậu giải nguyên đỗ thứ 2 Đông các, Nữ sỹ Hồ Xuân Hương Bà chúa thơ nôm thế kỷ thứ 18. Chí sỹ Phạm Đình Toái một đại nam quốc sử diễn ca được coi là một thiên anh hùng ca của dân tộc và sau này là nhà thơ Hoàng Trung Thông Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam,  phó Giáo sư Văn Như Cương, 3 anh, em: Phan Cự  Nhân, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Dũng… và nhiều người nữa, nói chung dòng họ nào cũng có người đậu đạt. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 lại nay, mặc dù bị chi phối do chiến tranh và ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường nhưng truyền thống ấy vẫn được phát triển không bao giờ bị mai một, đến nay toàn xã đã có trên 1.000 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học, có trên 300 người đang theo học  và giảng dạy trên 28 trường Đại học khắp cả nước, trong đó có 52 Thạc sỹ, 55 Tiến sỹ, có 16 Phó Giáo sư, 5 Giáo sư, 3 Viện sỹ khoa học Quốc tế, hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, Văn nghệ sỹ, nơi đây đã sinh ra cho đất nước 5 Uỷ viên Trung Ương trong đó có 2 Uỷ viên Bộ Chính trị, 9 Đại biểu Quốc hội, 31 Tỉnh uỷ viên trong đó 11 Bí thư tỉnh uỷ, Phó Bí thư khu ủy, tỉnh uỷ, 5 uỷ viên Thường vụ tỉnh uỷ, 15 người là Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, có 8 Bí thư huyện uỷ,  2 đồng chí Phó Bí thư huyện uỷ, 3 đồng chí Chủ tịch huyện, Quận.
       Nói đến văn hoá làng Quỳnh là nói đến một làng văn hoá cổ, một làng văn hoá tiến bộ, đậm đà bản sắc và thuần khiết, bởi chứa đựng trong mình nó là một kho tàng di sản văn hoá bao gồm văn hoá vật thể và phi vật thể.
           Tự hào có bản hương ước cổ của làng Quỳnh Đôi  ra đời vào năm 1638 do viên ngoại lang bộ công Phan Khuê đề xướng trên cơ sở tập hợp những khoán ước của Làng. Nội dung tư tưởng của bản hương ước làng Quỳnh Đôi đề cao đạo đức, lễ nghĩa nho giáo, xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng, tôn trọng lợi ích và đề cao nghĩa vụ cá nhân với gia đình, làng xóm, thực hiện dân chủ chống áp bức bất công, coi trọng giáo dục, khuyến học, kính trọng người cao tuổi, người có học hơn người làm quan. Bản hương ước làng Quỳnh ra đời từ rất sớm nhưng đã chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ về pháp luật và dân chủ, góp phần  xây dựng các hành vi tự giác của từng cá nhân  tạo ra sức mạnh cộng đồng để xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ làng xã.
      Hiếm có nơi đâu như mãnh đất này, một làng quê với  không gian  sinh sống  của cư dân chưa đầy 1 Km2 mà có tới 9 di tích Lịch sử - Văn hoá đã được xếp hạng;  trong đó có 8 di tích Quốc gia như: Đền Thần, Đình làng, Nhà thờ Họ Hồ, Nhà thờ họ Nguyễn, Đền thờ Hoàng Khánh, Đền thờ Quận công Hồ Sỹ Dương, Nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích, Nhà thờ họ Dương  đặc biệt là cụm di tích Quốc gia Nhà thờ và  Mộ cụ Hồ Tùng Mậu nhà  hoạt động cách mạng tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, cùng nhiều công trình gắn liền với sự kiện, tên tuổi của những con người Quỳnh Đôi đã đi vào lịch sữ của dân tộc như ; Bia tưởng niệm  nữ sỹ Hồ Xuân Hương, Bia tưởng niệm Anh hùng Cù Chính Lan, Đài tưởng niệm các liệt  sỹ 1930- 1931, vườn Xô viết và nhiều  chứng tích  khác  đang trường tồn  với  thời gian; những di sản đó là công sức và cả máu xương của lớp lớp các thế hệ người dân Quỳnh Đôi đã dần hình thành nên và kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc; với một mật độ di tích đậm đặc như vậy thể hiện chiều sâu, bề dày của một làng văn hóa, xã Anh hùng. 
Kính thưa: Quý vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân
Trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, người Quỳnh Đôi có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất cứ thời điểm lịch sử nào khi đất nước bị xâm lăng cũng có nhiều người tham gia. Đời Lê có Ông Hồ Hân, Ông Hồ Phi Tứ, Ông Nguyễn Trạch v.v. Được phong là “Phục quốc thượng tướng quân kiêm võ hầu”. Thời kỳ chống giặc Minh có Ông Nguyễn Tu, Ông Hoàng Lữ. Từ khi Thực dân Pháp sang xâm chiếm nước ta, nhân dân Quỳnh Đôi hăng hái tham gia các phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân như Ông Hồ Học Lãm, Ông Hồ Phi Thống, Ông Nguyễn Xuân Lan, Ông Nguyễn Thức Hiệp, Phụ nữ có Bà Trần Thị Trâm ( bà Lụa)… Một sự kiện đáng nhớ đó là năm 1929 Hồ Tùng Mậu xuất dương theo con đường cách mạng Vô sản,  là trợ thủ đắc lực của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập các tổ chức tiền sinh của Đảng, là một trong bảy người tham gia thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tháng 2/1930; là cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu của Đảng, được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng.
Tháng 2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, thì tại Quỳnh Đôi đầu tháng 3/1930 chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập là chi bộ Đảng được thành lập sớm nhất trong huyện. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình chống khủng bố, đòi giảm sưu thuế, đòi tự do dân chủ, Thực dân Pháp đã đàn áp dã man có  hơn 230 người bị bắt, 9 người bị chúng giết hại, hàng trăm người bị giam cầm trong các nhà tù, nhiều người hy sinh trong tù ngục, hiện tại có hơn 80 người được nhà nước công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, hơn 20 người là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh Quỳnh Đôi được thành lập và xúc tiến mọi mặt để chuẩn bị giành chính quyền. Ngày 15/8/1945 nhân dân Quỳnh Đôi đã nổi dậy đấu tranh giành chính quyền, Quỳnh Đôi cũng là xã giành chính quyền sớm nhất huyện.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Quỳnh Đôi đã đem sức lực, trí tuệ và tài sản và tính mạng phục vụ 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc thanh niên Quỳnh Đôi từ thế hệ này đến thế hệ khác, lớp lớp tình nguyện lên đường ra trận, có  2.511 người đã gia nhập lực lượng vũ trang, vào thanh niên xung phong và chưa kể hàng trăm người đi dân công hoả tuyến phục vụ khắp các chiến trường, dù gian khổ hy sinh, dù đói cơm, nhạt muối nhưng điều đáng tự hào là Quỳnh Đôi không có người trốn nhiệm, đào ngũ, nhiều người  đã lập công xuất sắc, được tặng thưởng Huân, Huy chương, bằng dũng sỹ, tiêu biểu là Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan, tính đến nay trong lực lượng vũ trang toàn xã có  6 Thiếu tướng, 64 Đại tá và rất nhiều cán bộ, sỹ quan đang phục vụ trong quân đôi, công an. Sự đóng góp to lớn, song sự hy sinh mất mát cũng rất lớn lao, toàn xã  có 226  liệt sỹ, 115 thương bệnh binh, 18 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Là hậu phương trong những năm kháng chiến, kiến quốc nhân dân Quỳnh Đôi ra sức kiến thiết quê hương;  bắt tay vào xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp, thi đua lao động sản xuất, đắp bờ vùng bờ thửa, cải tạo đồng ruộng, khai hoang phục hóa, mở rộng sản xuất tăng năng suất lúa, cung cấp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho kháng chiến được công nhận “25 năm quân đủ, thóc thừa”.
Từ những đóng góp đó năm 1996 xã Quỳnh Đôi được Đảng, Nhà nước phong tăng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân”. Năm 1998 được công nhận danh hiệu “Làng Văn hoá” đầu tiên của tỉnh. Năm 2014 được công nhận xã đạt nông thôn mới và là một trong 3 xã được tỉnh Nghệ An chọn xây dựng xã nông thôn mới kiễu mẫu giai đoạn 2015-2020.
 Kính thưa: Quý vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân
Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, nhân dân Quỳnh Đôi một lần nữa tự khẳng định mình, tiếp nối lịch sử, truyền thống  của quê hương, đoàn kết ra sức phấn đấu xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tích:
Thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nổ lực của cán bộ và nhân dân cùng với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, con, em trong và ngoài xã, Quỳnh Đôi đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng tăng cường áp dụng các tiến bộ KT vào sản xuất, phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, tăng tỷ trọng vụ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,1 %, tỷ lệ  hộ khá tăng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân luôn được cải thiện. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên
Tập trung xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân:  hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được bê tông hóa đạt trên 60%, hệ thống lưới điện, hệ thống truyền thanh đảm bảo, chợ nồi rộng rãi; cơ sở vất chất các trường học, trạm y tế khang trang đạt chuẩn quốc gia; 100% đường làng được bê tông hóa, hệ thống mương tiêu được đậy nắp đảm bảo vệ sinh môi trường; các tuyến đường mẫu, đường hoa đang tiếp tục được xây dựng; các di tích, nhà thư viện, truyền thống được nâng cấp, Cổng làng, nhà tập luyện thể thao; khu vui chơi, sân vận động, khu trung tâm, khuôn viên hồ sen được xây dựng khang trang; nhà tang lễ bề thế, khu nghĩa trang được quy hoạch, xây dựng nề nếp văn minh; các thiết chế văn hóa thể thao của xã đến các thôn đều đạt chuẩn. Các công trình di tích lịch sử - văn hoá được trùng tu và nâng cấp nhằm góp phần giáo dục truyền thống cũng là điểm đến thu hút du khách, tiến tới xây dựng Quỳnh Đôi thành điểm tham quan các di tích Lịch sử - văn hóa theo nghị quyết của Đảng ủy.
Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, chất lượng giáo dục xã nhà không ngầng được nâng lên, các trường luôn đạt tiên tiến xuất sắc.
Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Gia đình văn hoá đạt trên 93 %. Xã đạt văn hóa. Các hoạt động văn hoá văn nghệ, Thể dục, thể thao trở thành phong trào tập luyện thường xuyên của người dân.
Các thuần phong mỹ tục được phát huy, tình Làng nghĩa xóm được gắn kết, bền vững, dân chủ, đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân luôn được giữ vững.
Quốc phòng an ninh được tăng cường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làng, xóm bình yên, nhà, nhà hòa thuận, quê ta như đẹp hơn, sạch hơn, sáng hơn.
Kính thưa: Quý vị đại biểu
Kính thưa:Toàn thể nhân dân
 Những gì đã diễn ra  trong Lịch sử suốt 640 năm qua là minh chứng sống động về truyền thống, yêu nước, cách mạng; hiếu học, khổ học và khoa bảng của nhân dân Quỳnh Đôi.
Vinh dự này thuộc về các thế hệ người Quỳnh Đôi, đã không quản ngại hy sinh gian khổ lập nhiều thành tích trong học tập, lao động, chiến đấu để  xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
Công lao này thuộc về các thế hệ kế tục xứng đáng truyền thống của quê hương, tin tưởng vào con đường cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Vinh dự này thuộc về 18 Mẹ Việt Nam anh hùng, 226 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, cho quê hương.
Kính thưa: Quý vị đại biểu
Kính thưa:Toàn thể nhân dân
Nối tiếp dòng chảy của lịch sử và trách nhiệm với thế hệ mai sau. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Đôi quyết tâm vững bước đi lên trên con đường xây dựng và phát triển quê hương trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, xây dựng Quỳnh Đôi đạt xã nông thôn mới kiễu mẫu với mục tiêu  No đủ, bình yên, thân thiện, văn minh”.
Cũng trong thời khắc ý nghĩa này khi mà chúng ta đang vui mừng với những thành quả đạt được trong 640 năm qua, thì chúng ta vẫn nhận thức được rằng; làng ta còn khó khăn, nhiều thử thách đang ở phía trước; rồi đây có thể sẽ có nhiều thay đổi;  những gì đã từng diễn ra trong lịch sữ có thể được lặp lại, nhưng làng Quỳnh Đôi thì mãi mãi vẫn là làng Quỳnh Đôi.
 Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền tôi  kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân cùng với con em quê hương tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa của quê hương, cốt cách của người Quỳnh Đôi, dù ở nơi đâu, làm gì  để mãi mãi được tự hào về quê hương, xứng đáng với quê hương.
Trong niềm hân hoan, phấn khởi này thay mặt cho ban tổ chức buổi lễ xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, các vị khách quý đã quan tâm đến dự lễ kỷ niệm  là nguồn động viên và niềm vui cho địa phương.
Xin kính chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý, bà con, con em đang học tập, công tác trên mọi miền đất nước cùng toàn thể cán bộ, nhân dân xã nhà, một năm mới phấn khởi, vui tươi, mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, đoàn kết và thắng lợi./.
                                                                                 Xin trân trọng cảm ơn !

Tác giả bài viết: Phan Đình Hiền

Nguồn tin: quynhdoi.gov.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dichvucongqd
Chăm sóc khách hàng điện lực miền bắc
TTGT Việc làm Nghệ An
Trả lời cử chi
Tra cứu tin nhắn Bảo hiểm
Tra cứu Bảo hiểm trực tuyến
Giải quyết khiếu nại tố cáo
Dự báo thời tiết
Ngày này năm xưa
Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ nơi mô?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay319
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập78,247
GIỜ LÀM VIỆC
Mùa Đông
Buổi sáng 7h30 - 12h
Buổi chiểu 13h30 - 17h
Mùa Hè
Buổi sáng 7h - 11h30
Buổi chiều 13h30-17h
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây