Phạm Đình Toái là con thứ hai, học hay chữ, được sách Quỳnh Đôi hương biên khen là “có tài hoa, chắc đỗ to”. Nhưng đến tuổi 22, ông mới đỗ Tú tài khoa Canh Tý, Minh Mệnh thứ 21 (1840), và đỗ Cử nhân khoa Nhâm Dần, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), được sơ bổ Huấn đạo Cẩm Khê, rồi lần lượt làm tri huyện, tri phủ đến Bố chính Bình Định. Bị can tội lạm dụng của kho, ông bị cách chức, nhưng rồi được phục chức, làm đến Án sát Sơn Tây, lại bị cách lần thứ hai. Theo tài liệu ở địa phương thì ông có xuất tiền xây dựng nhà Văn thánh, và cúng 400 quan để dựng đình làng to đẹp, bề thế, bị tố cáo là dám “dựng đình cao to như điện Thái Hòa ở Kinh” nên bị tội. Lúc này, giặc cướp nổi lên nhiều nơi, ông tự mộ quân đi đánh dẹp, đến năm 1866 được phục chức Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ). Năm Tự Đức thứ 23 (1870) ông cáo bệnh về nghỉ tại Hà Nội, chuyên việc đọc và dịch sách.
Mùa thu năm 1872, nhân một chuyến về thăm quê, có mấy người trong tổng đến xin ông giúp đỡ và chủ trì tổ chức khai hoang một vùng chua mặn cách làng Quỳnh Đôi không xa. Ông nhận lời và bắt tay vào việc, cho dời nhà đến ở vùng khai hoang. Ông đã bán nhiều ruộng đất, tài sản, bỏ tiền vào việc nuôi đám dân nghèo đến vỡ đất, đắp đập ngăn mặn, cày cấy... Chỉ mươi năm sau, vùng khai hoang này đã là ấp Đồng Xuân với hơn 10 hộ dân và 40 mẫu ruộng thục (nay là làng Đồng Xuân trù phú thuộc xã Quỳnh Bảng, có tới 120 hộ dân).
Về sau, Triều đình có Sắc phục chức cho Phạm Đình Toái. Sắc đề ngày 29 tháng Chạp năm Quý Tỵ, niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893), có đoạn (dịch):
“... Hoàng đế ban rằng:
... Nhà ngươi nguyên là Hồng lô tự khanh, giữ chức Bố chính tỉnh Bình Định, làm việc đầy đủ chức trách, mộ dụng rõ ràng, được thưởng hàm Chánh ngũ phẩm hưu dưỡng.
Phạm Đình Toái học rộng, có tài kinh luân, một niềm giữ vững lòng trung, lấy đạo nghĩa chăm lo mọi việc, nhiều năm khó nhọc, giúp rập hết tài năng. Một chốc hiểu lầm, nghe lời tâu nhảm. Nay nhớ đến công xưa mà nghĩ lại.
... Nay đặc mệnh gia ân, phục lại nguyên hàm Trung thuận đại phu, Hồng lô tự khanh, hưu trí...”.
Đầu năm Tân Sửu (1901) ông ra Phú Thọ, thăm lại phủ Lâm Thao, nơi làm việc ngày trước. Dân làng Sơn Vi nhớ ơn xưa, tôn ông làm thần sống. Tháng Ba (7-4-1901) ông mất tại đây, được dân lập miếu thờ.
Dân làng Đồng Xuân (nay thuộc xã Quỳnh Bảng) cũng dựng đền thờ ông làm Thành hoàng, được triều đình ban sắc phong. Năm 2009, đền này được công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.
Sinh thời, Phạm Đình Toái đã nổi tiếng là một danh sĩ. Tác phẩm của ông, hiện nay, chỉ có một quyển Quỳnh Lưu tiết phụ truyện bằng chữ Hán, còn lại là văn Nôm, gồm hai loại lớn: Thơ dịch và Diễn ca.
- Quỳnh Lưu tiết phụ truyện là tập sáng tác duy nhất của ông (Theo lời chú thích(2) trang 39 sách Đại Nam quốc sử diễn ca - Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên phiên âm, khảo dị, hiệu đính, chú thích, giới thiệu - NXB VHTT -H.1999), thì “Trong tập Quốc âm từ điệu (Ký hiệu A.595 - TVKH) không thấy có Quỳnh Lưu tiết phụ truyện, nhưng lại có mấy bài tựa truyện đó, ở mỗi bài lại có lời bình của Cử nhân Hồ Đắc Dự, Tú tài Lê Quỹ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ái, Tiến sĩ Vũ Nhự”. Như vậy là văn bản sách này chưa tìm thấy, không rõ sách viết về những ai và viết như thế nào.
- Về văn dịch, theo Hoàng Xuân Hãn, ông có các tập:
Khẩn khoản đưa chàng quá động Thiên,
Cõi tiên hầu dễ lại quen miền.
Rượu mây về đó xin cùng nhắm,
Thơ ngọc rồi ra chớ mở nhìn.
Hoa động cầm màu còn dõi nở,
Nước trần xuôi lối há quanh lên.
Ngậm ngùi bên suối chia từ ấy,
Núi những rêu xanh bóng nguyệt in.
Thể lục bát là sở trường của ông lúc về già. Năm 1886, trong bài Tựa sách dịch thiên Nguyệt lãnh ca trong Kinh Lễ, nhân đó ông bàn về quốc âm từ điệu và văn chương thể lục bát, giảng rõ đặc điểm của thể văn này:
“... Một vần ở luôn ba vế, một vế lục ở giữa hai vế bát: vần ấy ở đuôi vế bát trên, ở vế lục rồi ở lưng vế bát dưới; chữ cuối vế bát dưới lại là vần mới cho câu sau... Như thế thì một câu có hai vế mà ba chữ vần, hai câu có bốn vế mà sáu chữ vần... Đọc chữ vần đuôi vế lục thì biết chữ vần lưng vế bát, đọc vần đuôi ở câu trước thì biết chữ vần đuôi vế lục ở câu sau. Vế này liền vế kia, vần này đẻ ra vần khác. Tuy có trăm nghìn vế mà vận điệu tiếp tục không cùng, đã tiện cho sự ngâm nga, mà lại dễ nhớ. Đó là thể văn tuyệt diệu ở nước ta”. “Tao nhân hào khách mở miệng thành câu. Khuê phụ điền phu buông lời đúng điệu. Cho đến các khúc ngạn ngữ, ca dao, các câu trẻ con đùa hát, mà cũng đều tự nhiên đúng thể. Lại có kẻ dùng toàn chữ nho làm bài ca theo thể ấy. Người Trung Hoa tới chơi nước ta lấy đọc thì không ai không khen phục. Như vậy thể ấy dễ dùng cho người ta chẳng phải ư?”.
Ông thường nói: “Nước ta ở xa về phía Nam, âm ngữ khác Trung Hoa. Kẻ học trò, nhà thức giả tuy tập văn tự Trung Hoa, mà nói năng, ngâm ca thì không dời bỏ tiếng nước nhà. Há ta lại cho rằng chỉ chữ nho là tao nhã mà thôi và chê quốc âm là thô bỉ?”.
Thơ dịch theo thể lục bát của ông chữ nghĩa chọn lọc, chải chuốt, vần điệu êm ái, lưu loát.
Dưới đây là trích đoạn đầu bài Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư đời Đường:
“Nước xuân sông biển dấy đều,
Trăng kia trên biển theo chiều nước sinh.
Sông trườn ngàn dặm long lanh,
Sông xuân đâu chẳng trăng thanh ấy mà!
Dòng sông xanh, bọc chòm hoa,
Trăng soi hoa rạng như là tuyết đông.
Giữa trời sương thoảng như không,
Trên ghềnh cát quáng xa trông bóng tà.
Nước trời một thức nao pha,
Giữa vời leo lẻo gương nga một màu.
Bên sông ai thấy trăng đầu,
Trăng sông từ trước năm nào soi ai?...”
Đặc biệt, bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm đời Tấn được ông gia công rất nhiều khi dịch. Trong một bài viết, Giáo sư Phan Ngọc nhắc lại lời kể của cụ thân sinh - Phó bảng Phan Võ: Khi dịch đến câu Tùng cúc do tồn, cụ (tức Phạm Đình Toái) đắn đo mãi, làm sao đạt được ý của tác giả là “chí khí của mình vẫn còn”. Đến khi tìm được chữ “lơ thơ” và dịch Cúc tùng vài khóm lơ thơ hãy còn, cụ khoái quá, gọi bảo con: - Cha vừa dịch được câu thơ hay quá, rót cho cha một chén rượu mừng.
Bản dịch Quý khí lai từ được nhiều tao nhân mặc khách đương thời tỏ lòng bái phục. Nguyễn Phi Chiểu, trong lời Bạt viết ngày rằm tháng Tám năm Nhâm Thân, Tự Đức thứ 25 (1872) đã nói lên mối đồng cảm của mình với người dịch: “Nay gặp phải vất vả lao đao như thế; Số mạng ư! Trong lòng ôm ấp, ắt phải có nỗi bất bình, muốn khạc ra mà không nỡ. Cho nên phải đổi từ ra làm âm, mượn âm để tỏ chí vậy” (Đại Nam quốc sử diễn ca - SĐD).
Làm Diễn ca là sở trường của Phạm Đình Toái. Loại này có mảng sách diễn dịch sách Hán văn, kể cả sách kinh điển, để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc gồm:
Loại này không được nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Mảng sách sáng tác chỉ có cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca ông sửa chữa sách của Lê Ngô Cát mà làm ra, là cuốn diễn ca lịch sử được nhiều người biết đến và đánh giá cao về tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước chống xâm lược. Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu tác phẩm này về mặt lịch sử và mặt văn học.
Nhưng ở đây, chỉ xin nói về xuất xứ của sách.
Người xưa rất quan tâm đến việc phổ biến lịch sử dân tộc trong đông đảo dân chúng. Nhưng sách sử xưa đều bằng chữ Hán, lại viết dài, khó hiểu. Cần có một bản lược sử bao gồm các sự kiện chính yếu bố trí có hệ thống, bằng văn vần quốc âm dễ nhớ, dễ thuộc đối với mọi người.
Trong Đại Nam quốc sử diễn ca - Tựa và dẫn của Hoàng Xuân Hãn - NXB Sông Nhị - H.1952, in lại trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập II - qua khảo cứu của mình, GS Hoàng Xuân Hãn kết luận:
“... Chúa Trịnh, có lẽ là Trịnh Căn (1682-1709) giao cho một sử quan soạn sách Thiên Nam ngữ lục chép sử nước ta từ Hồng Bàng đến cuối đời thuộc Minh.
“Năm Tự Đức thứ 8 (1855), vua sai sử thần soạn sách Việt sử, và sai tìm sách cũ để tra cứu. Một học trò tỉnh Bắc Ninh dâng quyển Sử ký quốc ngữ ca, có thể tức là quyển Thiên Nam ngữ lục.
“Năm Tự Đức thứ 11 (1858) vua sai sử thần chữa sách ấy và thêm đoạn sử Lê - Trịnh. Các ông Lê Ngô Cát và Trương Phúc Hào được sung vào việc ấy và soạn ra sách Việt sử quốc ngữ (1860)...”.
Việt sử quốc ngữ do Phạm Xuân Quế nhuận sắc, lại có người nhuận chính làm thành ra sách Lịch đại Nam sử quốc âm ca (tức là bản của Lê Ngô Cát đã nhuận sắc, nhuận chính).
Cũng theo ý cụ Hoàng thì Lê Ngô Cát không dựa vào bản Sử ký quốc ngữ mà dựa vào sách sử chữ Hán mà viết sách của mình (Hai ông Lê Ngô Cát, Trương Phúc Hào được giao soạn sách, nhưng các tác giả đương thời như Phạm Đình Toái, Trương Vĩnh Ký chỉ ghi sách là của Lê Ngô Cát, chắc ông Lê viết là chính).
Vào khoảng 1865-1870, Phạm Đình Toái đã sửa chữa lại sách của Lê Ngô Cát, làm thành sách Đại Nam quốc sử diễn ca. Trong “Lời thuật” đề năm Tự Đức thứ 23, Canh Ngọ (1870) đầu thu, ngày tốt, ông viết:
“Sách Quốc sử diễn ca là quan nguyên Án sát Cao Bằng Lê Ngô Cát vâng lệnh soạn ra... Quan Hình bộ Thị lang Phạm Xuân Quế nhuận sắc, cả thảy có 1.887 câu... Sách ấy tự sự đủ và rõ. Không những người quê, trẻ con, đàn bà đọc hiểu mà tuy là văn nhân, học sĩ, ai cũng thích xem. Ấy vì sách chép việc nước ta, xem qua một lượt là đủ hết. Nhưng lời văn phiền phức, kẻ đọc phàn nàn vì khó nhớ. Tôi không tự lượng sức mình, trộm lấy sách ấy mà cắt bớt đi, và thêm vào chỗ thiếu, soạn thành 1.027 câu, lấy nguyên tác chỉ hơn 300 câu, trong đó hoặc lấy cả hai vế, hoặc đổi vài ba chữ, hoặc theo ý mà đổi lời, hoặc sửa dọn mà đổi vần, hoặc lấy vế lục ở câu này, vế bát ở câu kia mà hợp thành một câu. Trải hai năm mới xong thành sách. Tôi đã được quan Án sát Nam Định Phan Đình Thực và các quan khác cùng nhuận chính thêm. So với các bản cũ thì gọn và lịch sự hơn...”, “... Mùa xuân năm nay tôi cáo bệnh về Hà Nội đem sách cho quan Bình chuẩn Đặng Huy Trứ xem. Đặng quân xem lấy làm thích, bèn giao cho hiệu Trí Trung đường theo đó khắc. Bản khắc cũng do hiệu của Đặng quân giữ, tôi không dám chuyên dùng một mình...”(1).
Ngoài hiên tơ trúc dập dình,
Tiếng ca cao thấp, chén quỳnh đầy vơi.
Lòng chiều đợi giọng khuyên mời,
Giọt ơn hòa với mùi đời cũng say.
Lạt nồng là thói xưa nay,
Cùng nhau gọi một chén này làm ghi.
Mới hay thiên tải nhất kỳ,
Rồi ra ắt cũng có khi trùng phùng.
Phạm Đình Toái là người có tài học. Ông chỉ đỗ Cử nhân, nhưng làm quan từ Huấn đạo lên đến Bố chính, hàm Hồng lô tự khanh. Sắc Chỉ của vua Thành Thái khen ông “học rộng, có tài kinh luân, một niềm giữ vững lòng trung, lấy đạo nghĩa chăm lo mọi việc, nhiều năm khó nhọc, giúp rập hết tài năng”. Về những lần ông bị cách chức, triều đình cũng nhận là vì “một chốc hiểu lầm, nghe lời tâu nhảm”.
Ông rất quan tâm đến quê hương, từng giúp tiền xây dựng nhà Văn thánh và Đình làng, lại có công dựng lên ấp Đồng Xuân. Việc nhân dân xã Sơn Vi (Lâm Thao) và làng Đồng Xuân lập miếu thờ và tôn ông làm Thành hoàng là chứng minh tấm lòng của ông đối với dân.
Về văn chương, ông cũng là một trong những tác giả đặc biệt quan tâm đến văn quốc âm. Ông lại có biệt tài làm văn lục bát, có một khối lượng tác phẩm lớn bao gồm sách dịch thuật, diễn ca... Về văn chữ Hán, ông chỉ có một quyển Quỳnh Lưu tiết phụ truyện mà ngày nay ta chưa biết nội dung. Nhưng là một người lúc trẻ nổi tiếng hay chữ, chắc chắn ông còn có những tác phẩm Hán văn khác mà ta chưa biết(2).
Chú thích
(1). Sau lần in đầu tiên của Trí Trung đường (Hà Nội, 1870), Phạm Đình Toái có sửa chữa lại “Lời thuật” và cho khắc in lần thứ hai (1873), tiếp đó Trí Trung đường lại khắc in lần nữa (1881), rồi có các bản của Liễu Văn đường (H.1903), Quan Văn đường (chưa rõ năm), Quảng Thịnh đường (H.1924 và H.1933). Bản phiên âm Quốc ngữ đầu tiên là của Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn, 1875), sau đó là các bản Xuân Lan (Nhà in Văn Minh Hải Phòng - Hà Nội, 1913), Nguyễn Trọng Doanh và Đoàn Như Khuê (H.1937), Nguyễn Đỗ Mục (H.1943), Bùi Kỷ và Nguyễn Quang Oánh (H.1944), Hoàng Xuân Hãn (H.1952), Đinh Xuân Lâm - Chu Thiên (H.1999).
(2). Hơn 30 năm trước, cụ Nguyễn Bang Hiến ở Quỳnh Lưu, có gửi cho tôi - qua nhà thơ Trần Hữu Thung, một bản dịch Kim Vân Kiều truyện (Đúng ra là Kim Vân Kiều lục) chép tay. Theo cụ Hiến cho biết thì soạn giả sách này là Phạm Đình Toái. Gần đây, tôi có trao đổi với PGS. TS Phạm Tú Châu, người dịch sách Kim Vân Kiều lục, thì chị viết cho tôi: “Về tác giả Kim Vân Kiều lục là cụ Phạm Đình Toái thì chưa rõ cụ Hiến dựa vào đâu, còn theo cán bộ của Viện nghiên cứu Hán Nôm đã tìm thì không có chút tư liệu nào cho biết tác giả là Phạm Đình Toái cả”.
Mong được các nhà nghiên cứu và các vị ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An giúp phát hiện xem cụ Phạm Đình Toái có phải là tác giả sách trên không.
Tác giả bài viết: Thái Kim Đỉnh
Nguồn tin: www.khxhnvnghean.gov.vn
Ý kiến bạn đọc