Năm Canh Thìn (1710) đời Lê Dụ Tông, ông dâng sớ điều trần nhiều việc ích nước lợi dân, được ban thưởng bạc và lụa. Năm Kỷ Dậu (1729), nạn lụt xảy ra, ông tận tâm tận lực lo việc cứu lụt, phát thóc ở kho Vị Hoàng cho nhân dân bị thiên tai. Sau ông cáo quan về hưu, khi mất được truy phong chức Thiếu bảo.
Trong cuộc đời làm quan của mình, câu chuyện về đoàn phái bộ Hồ Phi Tích và các quan chức khác đấu tranh bảo vệ chủ quyền nước ta ở vùng mỏ Tụ Long - Hà Giang buộc nhà Thanh phải trao trả vẫn còn lưu truyền mãi.
Thời đó, Tụ Long là một xã thuộc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, phía Tây giáp phủ Khai Hóa (Trung Quốc), phía Bắc giáp với Ngưu Dương (Trung Quốc), có sông Đổ Chú làm biên giới tự nhiên. Ruộng đất ở đây màu mỡ, mỗi năm cấy vụ mùa, mỗi mẫu được 20 gánh thóc, có gỗ thông nổi tiếng mà người Trung Quốc rất thích mua. Ngoài ra có mỏ đồng và mỏ bạc ở làng Nà Ngọ. Dưới thời Lê - Trịnh, mỏ đồng Tụ Long mỗi năm nấu được 45 vạn cân đồng (1 cân ta = 605 gam). 100 cân đồng trị giá 9 lạng bạc. Trong khu vực xưởng đồng có khoảng 300 nóc nhà, cạnh đó là phố chợ có tới ngàn nhà. Vào khoảng năm 1720 đến năm 1729, có tới hàng vạn người đúc đồng. Đồng được chở bằng ngựa thồ, mỗi con chở 70 cân, đi 5 ngày mới ra tới Hà Giang.
Thấy mảnh đất Tụ Long giàu tài nguyên khoáng sản như vậy nên quan lại nhà Thanh đã tìm mọi cách để chiếm đoạt. Quan lại phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam một mặt cho lính xuống chiếm giữ mỏ đồng, mặt khác gửi thư sang báo cho bên ta là biên giới của phủ Khai Hóa kéo dài xuống phía Nam 240 dặm, không phải chỉ là sông Đổ Chú mà là sông Ninh Biên, lập mốc biên giới ở Xưởng Chí, vu cho phía ta xâm chiếm 40 dặm đất đai nội địa Trung Quốc. Chúng cho lập bia mốc, đắp dinh lũy và lập đồn ải.
Trước việc quan lại nhà Thanh xâm chiếm biên giới nước ta, triều đình Lê - Trịnh làm công văn kháng nghị gửi cho Tuần phủ Vân Nam và vua Thanh. Tuần phủ Vân Nam lúc đó là Ngạc Nhĩ Thái đã làm công văn trả lời công văn của triều đình Lê - Trịnh, quở trách nghiêm khắc ta "càn rỡ" và bảo phải làm bản tâu khác tạ tội. Triều đình Lê - Trịnh phái Trịnh Kính là Trấn thủ Tuyên Quang đem quân lên đề phòng, thổ quan ở Tụ Long là Hoàng Văn Tuy quyết tâm giữ đất mỏ.
Tuy vậy, chúa Trịnh Cương vẫn nghiêm sức cho quan quân Việt chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu nhưng không được gây chiến trước. Thư từ vẫn được trao đổi giữa chúa Trịnh với Tuần phủ Vân Nam và vua Thanh. Nhà Thanh thấy quân Việt chuẩn bị sẵn sàng, khó lòng mà chiếm đoạt được vùng mỏ Tụ Long bằng quân sự, họ viết thư gửi triều đình ta: "Địa giới từ sông Ninh Biên trở vào, từ con ngòi nhỏ núi Xưởng Chí trở ra, nói là địa phận của quý quốc (Việt Nam) cố nhiên có bằng chứng, nhưng nói là địa phận của nội địa (nhà Thanh) cũng không phải là lời nói vu vơ, nhưng nay quốc vương (vua Lê) đã chịu ơn trời ban cho, không cần tranh cãi về địa giới làm gì. Vậy nay nhất định phân chia địa giới chỗ đất 40 dặm kể từ con ngòi nhỏ núi Xưởng Chí trở vào và vùng Mã Bạc trở ra, mong quốc vương ủy cho viên chức thông thạo, định kỳ khám xét".
Năm 1726, chúa Trịnh Cương hạ lệnh cho Tiến sĩ Hồ Phi Tích và Thám hoa Vũ Công Tể lên Tụ Long cùng với quan lại nhà Thanh hội đàm. Cuộc đàm phán diễn ra gay gắt vì quan chức nhà Thanh cố tình mở rộng biên giới ra khỏi đường biên giới cũ mà hai nước đã phân định từ thời nhà Minh. Sách Cương mục chép: "Triều đình bèn hạ lệnh cho bọn Hồ Phi Tích và Vũ Công Tể hợp đồng với viên quan phái ủy nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, hai bên vẫn giằng co không giải quyết được".
Tuy vậy, trước thái độ mềm dẻo nhưng cương quyết của phía ta qua những thư từ gửi cho nhà Thanh, năm 1728, Ngạc Nhĩ Thái đã cho chuyển một chỉ dụ của vua Thanh sang cho vua Lê. Chỉ dụ viết: "Nay quốc vương đã cảm ơn hối lỗi, nhảy múa kính theo, nghĩ thưởng cho đất 40 dặm, đã cử đặc phái viên đại thần phụng sắc thư đi đường Quảng Đông. Vậy quốc vương (vua Lê) cần cử quan đại thần đón tiếp, đến phủ Khai Hóa nhận đất và lập địa giới".
Sau khi đón tiếp Khâm sứ của vua Thanh đến Kinh thành Thăng Long, tuyên đọc sắc chỉ vào ngày 17 tháng 6 là "thưởng cho đất 40 dặm", chúa Trịnh Cương đã cử một phái bộ lên Tụ Long để lập giới mốc, gồm Tả thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận và Tế tửu Nguyễn Công Thái. Nhận trao trả đất lấy sông Đổ Chú làm biên giới tự nhiên, nhưng quan lại nhà Thanh đã chỉ sông Đổ Chú giả để coi vùng Tụ Long là đất nhà Thanh. Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái đã khảo sát kỹ càng, nhận ra sông Đổ Chú thật và dùng lý lẽ đấu tranh nên quan lại nhà Thanh đành phải chịu.
Sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng viết: "Bấy giờ quan nhà Thanh cho chia ranh giới hai nước bằng sông Đổ Chú, nhưng thổ quan phủ Khai Hóa chỉ láo sông Đổ Chú để chực chặn lấy các thôn, xã ở Bảo Sơn. Bọn Công Thái xông pha lam chướng, vượt nơi hiểm trở, đi qua các mỏ đồng, mỏ bạc, nhận ra được sông Đổ Chú thật, bèn gọi quan nhà Thanh hai bên tự đi báo lại, tranh biện và bẻ lý mãi, rồi lập động trụ làm giới mốc. Thế là việc cương giới mới ổn định. Mỏ đồng Tụ Long lại thuộc về ta".
Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết: "Nay chỗ lập giới mốc ở sông Đổ Chú, về phía Đông là đất Tụ Long của nước ta, bên bờ sông có bia đá, có nhà lợp bằng tranh để che mưa nắng, cỏ mọc um tùm.
Về phía Tây sông này là đất phủ Khai Hóa, có lập bia ở trên núi đất, có nhà lợp bằng ngói để che mưa nắng và có đặt đồn canh giữ".
Nhà bia sông Đổ Chú của nước ta dựng bia có khắc chữ như sau: "Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đổ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 (1731), chúng tôi là Nguyễn Huy Nhuận, Tả thị lang bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình phái ủy, vâng theo chỉ dụ lập bia này".
Văn bia của nhà Thanh ghi như sau: "Phía Nam phủ Khai Hóa ở góc trời giáp với đất Giao Chỉ, tra trong sổ sách ghi chép thì giới mốc phải ở vào sông Đổ Chú, cách lỵ sở phủ Khai Hóa 240 dặm về phía Nam. Chỉ vì về sau giới mốc lẫn lộn, viên quan do triều đình phái đi khám xét tâu xin lập giới mốc ở núi Mỏ Kẽm. Hoàng thượng ta ân uy rộng khắp (vua Ung Chính nhà Thanh) phương xa, nghĩ Giao Chỉ đời đời giữ đạo kính thuận, ban dụ chỉ để 40 dặm đất đã tra xét chính xác để trả lại cho.
Bọn Sĩ, Côn chúng tôi, tuân theo tờ hịch của Tổng đốc Vân Quý (Vân Nam và Quý Châu), ngày 7 tháng 9 họp cùng Nguyễn Huy Nhuận là viên phái ủy của Giao Chỉ, cùng bàn định, lấy con sông nhỏ ở phía Nam trấn Bạch Ma làm giới mốc. Chỗ này tức là chỗ trong tờ tâu ở Quốc vương Giao Chỉ gọi là sông Đổ Chú. Vậy chúng tôi tuân chỉ lập nhà bia giới mốc ở phía Bắc sông. Từ đây biên cương bền vững lâu dài, ức muôn năm, được đội không bao giờ mai một. Ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6...".
Trải qua 5 năm đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nước ta đã lấy lại được 17 thôn (Lê Quý Đôn ghi rõ tên từng thôn).
Về phía ta, sau khi giữ được chủ quyền ở vùng Tụ Long, chúa Trịnh đã phái hơn hai ngàn quân lính đến canh giữ ngày đêm cho khai thác đồng, bạc và thu thuế. Cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ nước ta đầu thế kỷ XVIII đã thắng lợi. Đó là cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao kết hợp với đấu tranh quân sự ở mức độ cần thiết, lúc cứng rắn, lúc mềm dẻo, với những viên quan có tài năng và trách nhiệm cao, đã thể hiện chính sách ngoại giao khéo léo của nước ta thời bấy giờ.
Rất tiếc là sau khi xâm chiếm xong nước ta, thực dân Pháp trong khi phân chia biên giới với nhà Thanh, muốn mở đường sắt Lào Cai - Vân Nam, tiến vào vùng Hoa Nam của Trung Quốc, nên đã cắt vùng đất Tụ Long cho nhà Thanh. Thế là từ đầu thế kỷ XX, vùng đất Tụ Long không thuộc về chủ quyền lãnh thổ nước ta nữa.
Năm Quý Sửu (1733) niên hiệu Long Đức thứ 2 đời Lê Thuần Tông, Hồ Phi Tích đã 69 tuổi, sức khỏe yếu, ông khẩn khoản xin về hưu, được thăng Binh bộ Thượng thư và lá cờ có đôi câu đối:
Chính sự tham gia lo việc nước
Sử kinh giảng giải dạy con vua.
Nhà vua ban cho thuế hai làng làm lương hưu. Ông bỏ tiền ra đắp đường chính đi qua hai làng (từ Hoàn Hậu đến Quỳnh Yên). Hồ Phi Tích còn đem huệ điền cúng Quỳnh Đôi 11 mẫu và Hoàn Hậu 10 mẫu để làm học điền và bồi trúc đường. Ông còn lập ra chợ Bèo tức chợ huyện ở Bào Hậu.
Hồ Phi Tích lâm bệnh nặng và mất ngày 16 tháng Giêng năm Long Đức thứ 3 (1734), thọ 70 tuổi. Sau khi mất, ông được ban chức Lại bộ Thượng thư Thiếu bảo tước Quận công, thụy hiệu là Đoan Cẩn và được rước về tế ở nhà Thánh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Ngày 13/2/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định cấp Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia mộ và đền thờ Hồ Phi Tích xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.