Canh lằng có vị đắng thanh rất đặc trưng, húp vào để lại vị ngọt khó tả nơi cổ họng. Người Quỳnh Đôi ăn canh lằng quanh năm và còn dùng nó như một bài thuốc giải nhiệt, kích thích tiêu hóa.
Cây lằng mọc hoang trong những cánh rừng miền trung. Các địa phương khác gọi là “cây chân chim” (vì lá xẻ thùy giống chân chim) hoặc cây “ba gạc”. Họ thường hái lá về sắc đặc để… tắm. Chỉ có người xứ Nghệ là đem về thái nhỏ phơi khô để dành nấu canh quanh năm mà thôi.
Cũng chân chất như con người Nghệ An, món canh lằng rất dễ nấu và đơn giản. Chỉ cần đun sôi nước, nêm mắm muối rồi thả vào một nắm lá bắc xuống là xong. Cầu kỳ thì cần mấy quả cà chua kiu ngoài vườn, một mớ tôm mớ tép đi làm đồng gom về cùng với lá lằng là được nồi canh rất đặc trưng.
Canh lá lằng ngon nhất khi ăn cùng cơm trắng, cà muối và ít cá biển kho mặn. Vị đắng và ngọt thanh của lá lằng kết hợp với vị chua của cà pháo và mằn mặn của cá biển tạo nên một món ngon khó cưỡng. Lúc ăn,ta có cảm giác như tất cả hương vị của núi rừng và biển cả hòa quyện, đọng lại nơi đầu lưỡi.
Ngoài ra, lá lằng được người dân Quỳnh Lưu chế biến thành nhiều món như xào cùng lòng lợn, quấn cá trích nướng chấm nước mắm tỏi ớt…. Nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất vẫn là món canh lằng nấu tép đồng.
Không chỉ là một món ăn không thể thiếu, canh lằng còn là một bài thuốc quý, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể trong mùa nắng nóng, kích thích ăn ngon, tốt cho hệ tiêu hóa và có tác dụng giải độc gan.
Từ một món ăn dân dã, lá lằng phơi khô đã trở thành một món “quà quý” mà những ai nơi “đất khách quê người” đều mong ngóng được người thân gửi biếu.
Nguồn tin: nghetinh.info
Ý kiến bạn đọc