... Và cứ thế, mỗi lần trở về nhà thăm bố mẹ, lòng tôi lại tự hào và phấn khởi hẳn lên vì sự đổi thay của xóm mình, nhất là nhà bà Diệm. Ngôi nhà 2 tầng khang trang ngoảnh mặt về hướng đông, có cái cổng cao rộng gần như đối diện với cổng nhà mình làm tôi có cảm giác khoảng cách giữa nhà tôi và nhà bà Diệm đã gần nay lại càng gần hơn.
Trước đây, nhà bà Diệm nghèo lắm! Chính bà Diệm cũng thường kể chuyện cho tôi nghe: “Tui đẻ mấy đứa con mà đói khổ lắm, may được nhờ ông bà chắt nhiều (là ông bà nội của tôi và đó cũng là cách gọi nhau thân thiết của người ngày xưa: chắt...). Đến cả củ khoai, bát cơm bà cũng đưa sang cho ăn, ...”. Ông bà nội tôi cũng không khá giả gì chỉ hơn một chút là có nghề thuốc bắc. (Mẹ tôi kể: “Ông bà làm thuốc chỉ để cứu người mà không màng gì danh lợi... Ông trực tính nhưng thảo ăn phải biết. Nhà mình khách khứa quanh năm nhưng cứ hễ có khách thì vợ con lo mà đi bày cỗ". Rồi mẹ tôi tiếp: "Trước đây, chữa cho người ta thôi bệnh thì họ biếu vài bò lạc, nải chuối... . Mỗi khi như vậy, bà tôi lại đem đi biếu mọi người vì bà bảo: “Thời buổi đói khát, ai thấy chi cũng thèm”).
Lại kể chuyện về nhà bà Diệm, nhất là khi ông Diệm mất đi, để lại cho bà 6, 7 đứa con nhỏ dại. Mặc dầu, khi ông Diệm mất thì tôi chưa chào đời nhưng mọi chuyện “đông tây kim cổ” tôi đều biết là do bà nội tôi kể lại khi đêm đêm tôi ngủ với bà. (Tôi yêu bà nội vô cùng. Bà tôi hiền lành và nhân hậu quá! Có khi tôi trộm nghĩ, nếu bà mất đi không biết tôi sẽ sống thế nào? ... Rồi những tháng mùa đông giá lạnh, tôi luôn nằm ôm chặt lấy bà. Hơi ấm của bà, mùi cơ thể của bà đến giờ tôi vẫn còn rất nhớ!).
Rồi bà tôi kể về chuyện ông Diệm. Cuộc sống của ông ấy gắn liền với con trâu và chiếc xe bò. (Lạ thật! Xe dùng cho trâu kéo, rõ ràng là như vậy mà cứ gọi xe bò, hay vì xe đi chậm như bò... Cho đến giờ tôi cứ còn thắc mắc). Hôm nào ông cũng dậy sớm để đi chở hàng, chở củi từ miền ngược về. Ông Diệm lành như đất! Buổi sáng định mệnh đó cũng không điềm báo trước. Hôm đó, khi chưa tỏ mặt người, người ta vẫn còn nghe tiếng ông Diệm “tắc! tắc!” con trâu vậy mà chỉ một lát sau đã nghe tin ông Diệm chết. Tin dữ làm mọi người bàng hoàng, sửng sốt. Thì ra, khi vừa lên đến quốc lộ 1A thì ông gặp tai nạn. Nhà bà Diệm đã nghèo đói giờ đây lại thiếu hơi ấm của người chồng, người cha càng trở nên hoang lạnh.
Từ ngày ông Diệm mất cho đến lúc tôi biết chạy chơi lon ton đã gần chục năm vậy mà đến giờ tôi vẫn cảm giác được sự cô đơn, mất mát ngự trị trong tâm khảm của bà, của các con bà. Và hình như cái nghèo đói cứ đeo bám lấy gia đình bà. Ngoài đồng ruộng gia đình bà còn phải làm thêm nghề bún, chăn nuôi đủ loại gia súc, gia cầm để kiếm thêm thu nhập. Loại nào cũng nuôi nhiều nhưng nhiều, đông đúc nhất vẫn là vịt, có khi số lượng lên đến hàng trăm con.
...Cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng sự tảo tần và chịu thương của bà đã làm ông Diệm yên lòng nơi chín suối. Đó là các con của ông bà đều vuông tròn, hiếu thảo. Lần lượt ai cũng có gia đình. Bà có một người con trai duy nhất là Chú Bình. Chú Bình là món quà mà đất trời mang lại cho bà khi ông Diệm không còn nữa. (Con người ta đâu cứ phải học cao, thành đạt mới trở thành “kiệt tác”). Chú Bình thật hiếu thảo! Chú kính trọng mẹ và yêu chiều các em hết mực. Rồi chú Bình lấy vợ. Mự Phương là người xóm ngoài. Mự trắng trẻo, xinh gái mà hiền lành đến lạ. Ngày đứa con trai đầu lòng vừa sinh chưa được bao lâu bị mất, mự không gào thét, không phân trần ngoa ngoắt mà chỉ nằm khóc tỉ tê, nhỏ nhẹ.
Bây giờ, có khi tôi nghĩ, ngoài đức tính hiền lành, ít nói thì sự mất mát, khổ đau phần nào khiến mự trở nên lặng lẽ hơn là vậy. Rồi đứa con thứ hai ra đời, niềm vui chưa kịp đong đầy thì nỗi buồn lại làm mự héo hon từng khúc ruột. Cô con gái mà chúng tôi thường gọi là “Lan cóc” chỉ có 2 con mắt là tinh sáng còn lại toàn cơ thể em cứ nhão thuột ra không khác gì con nhái bị đánh cho đến chết, không khác gì một nhánh cây thân mềm bẻ gập lại nằm ệp xuống nền nhà. Đã 3, 4 năm rồi mà chưa ngày nào mẹ em vui. Cả nhà không ai lại nghĩ rằng em có thể sống, càng ngày hy vọng về sự sống của em càng mong manh. Vì thế mà khi có người vùng đạo nhã ý xin về (để khi em mất thì linh hồn em được siêu thoát lên thiên đàng) thì bà Diệm đành ngậm ngùi chấp nhận. (Người công giáo họ cho rằng nhà nào có trẻ em mất là may mắn, tất nhiên bây giờ thì khác rồi). Thế nhưng khi bà đó vừa bỏ “Lan cóc” vào rổ bưng ra đầu ngõ thì bà Diệm lại chạy ra giằng lại vì thương cháu quá. Lúc này, tôi không muốn nói đến nỗi buồn của mự Phương và chú Bình nữa... . Thế rồi, người ta bày cho ăn cóc. Cái từ “Lan cóc” ra đời là vậy. Như một phép mầu nhiệm... . Em “Lan cóc” bây giờ to béo gấp đôi tôi, có gia đình và những đứa con khỏe, đẹp.
Lại nói về chuyện mự Phương, giờ ngoài năm mươi tuổi rồi, con cái gần như trưởng thành hết, không biết mự đã thấy vui chưa chứ tôi thấy thương mự lắm. Mự làm lụng suốt ngày. Nhà mự làm bún, mà cái công đoạn làm bún trước đây đâu như làm bún máy bây giờ. Thật là vất vả hết chỗ nói. Hai bàn tay luôn luôn tiếp xúc với chất chua (từ sự lên men của gạo do ngâm ủ cả tuần) làm cho mười móng tay mự cứ vàng và ải dần. Mự lại không biết đi xe đạp. Hình như một năm chỉ có một lần mự được mặc quần áo đẹp rồi về nhà bố mẹ đẻ vào dịp đầu năm mới, sau này có thêm một vài ngày về giỗ cha, giỗ mẹ nữa. Thực ra không ai cấm mự chuyện đi đây đi đó cả nhưng vì công việc cứ quấn lấy chân mự từng ngày, từng giờ. Mà tôi cũng biết, chú Bình là người cực kỳ tốt bụng, không bao giờ ích kỷ, nhỏ nhen. Có thế mà bao năm lam lũ thoát nghèo mà không sao thoát được. Những lúc thất bại, buồn chán, mang “cục tức” to bằng cái ấm tích trở về nhà uống vài chén rượu rồi trách mắng, dọa nạt mấy cái lon sành đựng nước vo gạo, nước đăng mà thôi (nước đăng là nước thải trong quá trình làm bún) chứ chưa bao giờ tôi thấy chú Bình to tiếng với vợ hay mắng chửi bất cứ một đứa con nào. Không những thế mà có khi đầu hôm thấy chú đang bực tức nhưng sáng mai ngủ dậy đã nghe chú gọi vợ con bằng giọng điệu thật yêu chiều: “Quyền ơi, Cảnh ơi, ...dậy đi con! Em ơi, trời đã sáng rồi!”. Mà chú thương vợ suốt ngày lam lũ, ... thế rồi cũng tránh sao được, cái bát còn va chạm huống chi con người, chuyện “mẹ chồng nàng dâu” đấy. Đôi khi, mẹ chú, vợ chú có thỏ thẻ với chú vài ba điều nhưng chú cứ khôi hài, giả đò mắng chửi mấy con gà, con vịt rồi cười khúc khắc thế là xong. Có lẽ mẹ và vợ cũng chẳng mấy hài lòng khi đem chuyện giãi bày với chú (thế này thì bắt đầu gối mà nói chuyện có khi còn hay hơn) nhưng trách làm sao được. Mẹ chú – người đàn bà mất chồng khi còn quá trẻ. Nhưng vợ chú - người vợ hiền tần tảo sớm hôm. Ai cũng phải được yêu thương, chiều chuộng như nhau. Cái quan điểm “bất di bất dịch” của chú thế mà hay. Đáng thật nể trọng! Mà nói thế thôi chứ bà Diệm yêu con, chiều cháu thì đố ai sánh kịp. Nếu ngoa ngôn hơn một chút thì tôi đã nói: Ngôn từ của tôi hoàn toàn bất lực khi nói về sự chiều chuộng cháu con của bà Diệm. Bây giờ đã gần 90 tuổi rồi mà chẳng khi nào bà lại đi ngủ trước khi cậu cháu trai đi “cưa” chưa về. Mới đây thôi, vào dịp đầu năm mới, tôi ghé qua để chúc sức khỏe bà. Thấy bà ho húng hắng rồi phân trần: “Dạo ni tết nhất, vui bạn vui bè, thằng Quyền cứ đi chơi về khuya làm bà không tài nào ngủ được” – là bà đã chờ cháu. Không chỉ có cháu ngoại, cháu nội mà cháu gọi bằng O, bằng Dì... về nhà bà Diệm chơi đều thấy thật thoải mái. Đám trẻ con chúng tôi ngày xưa cũng hay sang nhà bà chơi rồi chờ ăn bánh dọn (một ít bột còn lại trong khuôn nhưng không vắt thành sợi bún, chúng tôi lấy bỏ vào lá chuối rồi nướng lên than đỏ, khi chín chia nhau mỗi đứa một tý. Ngon ơi là ngon!).
Lớn hơn một chút, tôi mắc đi học rồi đi học xa nhà nhiều năm tháng. Thế nên chuyện nhà bà Diệm tôi cũng không còn rõ lắm. Chỉ nhớ một chi tiết nho nhỏ: Mùa hè năm ấy, tôi thấy có một cậu thanh niên lạ (tôi không để ý nên cũng không biết mặt cậu ấy ra sao) đi chăn vịt với chú Bình, trông cậu ta có vẻ không thạo việc lắm. (Cậu ta không quen sống với đồng ruộng sao lại tự nguyện ở lại đi chăn vịt nhỉ?). Rồi cậu trở về thành phố khi nào tôi cũng không để ý luôn. Và tôi lại đi học, đi lấy chồng. Cậu thanh niên ấy giờ đây cũng thành đạt và giàu có. Có một điều là cả tôi và nhà bà Diệm đều không hay biết gì về sự việc cậu thanh niên kia cứ đòi ở lại đi chăn vịt cho nhà bà....
Chuyện nhà bà Diệm là thế đó: mất mát, khổ đau, vui buồn, vất vả nhưng tất cả cũng qua rồi. Bây giờ nhìn thấy con cháu bà hiếu thảo, chí thú làm ăn mà tôi thấy mừng cho bà. Chúc bà bà sống vui, sống khỏe bên con cháu trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Và cầu mong cho “tình làng nghĩa xóm” giữa nhà tôi và nhà bà luôn được bền chặt như người xưa đã nói: “Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”./.
Quỳnh Đôi, tháng 7. 2015