Truyền thống hiếu học ở Quỳnh Đôi

Thứ hai - 14/09/2020 09:32 2.322 0
Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) được mệnh danh là “đất học”, “làng Tiến sĩ” tiêu biểu của xứ Nghệ. Từ truyền thống khoa bảng của cha ông hàng trăm năm qua, lớp lớp con cháu làng Quỳnh hôm nay tiếp tục xiển dương đạo học, thành nhân, thành danh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Trước cổng đền thờ Hoàng Khánh ở Quỳnh Đôi. Ảnh: H.Thơ.
Trước cổng đền thờ Hoàng Khánh ở Quỳnh Đôi. Ảnh: H.Thơ.

Sự học đặt lên hàng đầu
Nghe tiếng làng Quỳnh (Quỳnh Đôi-Quỳnh Lưu-Nghệ An) đã lâu, mãi vào dịp tháng 9 này, chúng tôi mới có dịp ghé thăm. Qua kết nối, một cán bộ tư pháp xã dẫn chúng tôi tham quan những di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn.
Hiếm có nơi nào như ở đây, một xã diện tích không lớn, dân không đông mà có đến 8 di tích quốc gia, gắn liền với truyền thống hiếu học, thi ca, cách mạng lẫy lừng. Nơi đây, có bia tưởng niệm và tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương - bà Chúa thơ Nôm của dân tộc, có di tích nhà thờ họ Hồ đại tộc, nơi tưởng niệm nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, anh hùng Cù Chính Lan...

Quynh Doi Nghe An 11
Bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: H.Thơ.

Khi loanh quanh “vã mồ hôi hột” vẫn chưa đi hết hệ thống di tích, ngỏ ý muốn tìm một nơi nào đó uống chén nước rồi tiếp tục. Nhưng cán bộ này cho hay: “Xã Quỳnh Đôi không kinh doanh, không làm dịch vụ. Ngoài làm ruộng, tất cả tập trung cho học hành và lấy kiến thức để sinh sống”.
Ông Hồ Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền Thông huyện Quỳnh Lưu cho biết, năm thứ II Xương Phù (1378) có 3 ông tổ họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng đến khai phá mà lập ra trang Thổ Đôi (tên đầu tiên của Quỳnh Đôi). Trải qua hơn 600 năm, cái sự học ấy vẫn còn vang dội, khiến các vùng đất địa linh nhân kiệt khác cũng khâm phục.
Nếu tính từ lúc khai cơ (lập làng) năm 1378 đến năm 1440 sự học ở Quỳnh Đôi đã “phát” nhưng chưa đi vào hệ thống. Cho đến năm 1440, khi cụ Giám sinh Dương Văn Khai, tự là Ngộ chân, xuất thân trong một gia đình Hàn nho, khoa bảng ở đất Hoan Châu xưa (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) được họ Hồ ở Quỳnh Đôi mời đến dạy học cho con em của mình thì cái sự học mới bắt đầu được “phát tiết”. Theo ghi chép, năm 1.449 (sau 9 năm mời thầy về dạy chữ), làng Quỳnh có người đầu tiên đi thi. Kể từ đó, truyền thống học hành, khoa bảng của làng dần nhen nhóm và nở rộ.
Từ năm 1449 đến năm 1918 (năm bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán), Quỳnh Đôi có được 526 tú tài và 208 cử nhân với 963 lượt người thi đỗ ở 116 khoa thi, bình quân mỗi khoa có 8,3 người đỗ, chiếm khoảng 10% số người thi đỗ của cả Nghệ Tĩnh. Ở kỳ thi hội, có 4 phó bảng (Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai); Có 6 tiến sỹ (Hồ Sỹ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sỹ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sỹ Phẩm, Dương Thúc Hạp); Có 2 hoàng giáp (Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống); Có 1 thám hoa (Dương Cát Phủ) và 1 bảng nhãn (Hồ Sỹ Dương) chiếm 10% của cả tỉnh.
Tiếp nối truyền thống khoa bảng từ thời phong kiến, trong giai đoạn sau cách mạng 1945, mảnh đất đặc biệt này vẫn luôn sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước. Vì dù ở trong giai đoạn nào, trong huyết quản của người làng Quỳnh, sự học luôn được đặt lên hàng đầu, ưu tiên số một và xem đó là một nghề để sinh nhai và để tiến thân. Những cán bộ lãnh đạo, những doanh nhân có tiếng của tỉnh Nghệ An, thậm chí của đất nước đều bước ra từ ngôi miền quê nghèo, lắm bão dông này.

Quynh Doi Nghe An 10 01
Khu mộ của liệt sĩ Hồ Tùng Mậu tại làng Quỳnh Đôi. Ảnh: H.Thơ.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, Quỳnh Đôi có 3 viện sĩ, 13 giáo sư- phó giáo sư, 30 tiến sĩ, 48 thạc sĩ và hơn 1.000 cử nhân. Có thể kể đến các tiến sĩ nổi tiếng như Nguyễn Xuân Dũng, Phan Tam Đồng, Phan Cự Tiến, Hồ Đức Việt..., các Giáo sư, Phó Giáo sư có thể kể đến Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Phan Cự, Văn Như Cương, Hồ Sĩ Giao, Hoàng Văn Lân, Dương Như Xuyên..., 3 viện sĩ gồm Nguyễn Xuân Dũng, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến…
Làng "rất phú”
Quỳnh Đôi có nhiều cái đặc biệt. Trong đó phải kể đến yếu tố “phi thương”, tức không buôn bán nhưng vẫn sung túc. Từ thời phong kiến, người đàn ông mới được học hành, còn lại phụ nữ được xem là “hậu phương” vững chắc để giúp chồng quanh năm đèn sách. Họ mưu sinh bằng nghề trồng lúa, nghề trầm hương, dệt lụa.

Quynh Doi Nghe An 1
Đường vào một di tích ở Quỳnh Đôi. Ảnh: H.Thơ.

Những con đường vào Quỳnh Đôi ngày nay đã được “uốn thẳng” trước xu thế thời đại. Nhưng từ xa xưa, người ta đã cố ý cho đường làng quanh co để khi người vinh quy bái tổ qua làng được nhiều người chào hỏi.
Khi về làng họ mang theo “sự phú quý”. Cái phú quý được hiểu không chỉ vật chất, mà còn là sự cả nghĩ, dám vươn xa.
Trong ngôi nhà đầy bóng mát của mình, bà Hồ Thị Oanh (1960) ở thôn 4, xã Quỳnh Đôi kể cho chúng tôi nghe về những người con thành danh ở các địa phương khác của mình. “Bố mẹ quanh năm ruộng vườn vun vén cho con học hành thành tài. Ngôi làng là nơi chắp cánh nhưng không phải là nơi “tung hoành”. Muốn tung hoành thoả chí, sức trẻ thì phải đi xa, thậm chí ra nước ngoài. Mỗi năm chúng nó về đôi lần. Về mang theo những cái mới để rồi đầu tư, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng trù phú”, bà chia sẻ.
Bà Oanh kể từ lâu Quỳnh Đôi không ai buôn bán gì cả. Cả làng duy chỉ có mỗi quán bán đặc sản của xã. Ngoài ra không nhà nghỉ, không quán karaoke, không quán nhậu… “Người làng đầu tư hướng khác: đầu tư trí tuệ. Người lớn làm ruộng, làm nghề truyền thống. Trẻ con đi học. Thanh niên lớn lên ăn học ở xa, làm việc và thành đạt ở xa. Chỉ còn những người vợ đảm đang cáng đáng nơi quê nhà”, bà Oanh cho hay.
Nếu so với các làng quê thuần nông khác thì Quỳnh Đôi có thể có sự vượt trội, nếu không nói là nửa phần có dáng dấp đô thị. Một đô thị hiền hoà với những di tích trăm năm hiển hách, gợi lên sự tự hào.
Ngày xưa, thời phong kiến cái nghèo đeo bám. Vì nghèo mà học giỏi để thoát nghèo nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Nhưng ngày nay tri thức, trí tuệ là tài sản, phương tiện để thoát nghèo là điều chắc chắn. Như trong câu nói của bà Oanh tự hào về lớp người thành danh của làng Quỳnh: “Dù ở nơi đâu họ cũng hướng về nguồn cội này. Hàng năm, nguồn “ngoại tệ” từ con cháu làng Quỳnh ở khắp nơi trong cả nước “dội về” để kiến thiết những công trình công cộng làm thay da đổi thịt một miền quê hiếu học”.

Quynh Doi Nghe An 12
Cổng làng ở Quỳnh Đôi. Ảnh: H.Thơ.

Theo ông Hồ Bảo Thông - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi: “Người dân ở đây sống thư thả, phong lưu, không chật vật về chuyện cơm áo gạo tiền, mức độ hưởng thụ văn hóa, văn minh cao. Con cái đi xa làm ăn thành đạt, chỉ muốn cha mẹ, ông bà sống hạnh phúc, vật chất không phải lo” – ông Thông nói.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói: “Quỳnh Đôi là địa phương có truyền thống hiếu học, khoa bảng tiêu biểu của xứ Nghệ... Hiện địa phương đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với bản sắc riêng và thành tựu đáng ghi nhận”.

Tác giả bài viết: NGUYỄN KHIÊM - QUANG ĐẠI

Nguồn tin: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dichvucongqd
Chăm sóc khách hàng điện lực miền bắc
TTGT Việc làm Nghệ An
Trả lời cử chi
Tra cứu tin nhắn Bảo hiểm
Tra cứu Bảo hiểm trực tuyến
Giải quyết khiếu nại tố cáo
Dự báo thời tiết
Ngày này năm xưa
Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về Website?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay750
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập78,247
GIỜ LÀM VIỆC
Mùa Đông
Buổi sáng 7h30 - 12h
Buổi chiểu 13h30 - 17h
Mùa Hè
Buổi sáng 7h - 11h30
Buổi chiều 13h30-17h
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây