Truyền thống đó cần được phát huy trong mọi thời kỳ lịch sử. Chính vì vậy việc tìm hiểu về các vùng dân cư trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm là hết sức cần thiết để làm rõ truyền thống yêu nước của của mỗi vùng miền nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Từ đó phát huy và đẩy mạnh hơn nữa ý thức của mọi người trong việc xây dựng và phát triển đất nước, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu thường được gọi là Làng Quỳnh, từ lâu đã đi vào lịch sử tỉnh nhà, lịch sử của đất nước như một vùng đất hứa của việc học hành khoa cử, như một địa danh văn hiến “Bắc Hà-Hành Thiện, Hoan Diễn-Quỳnh Đôi”. Nơi đây cũng là một vùng đất nổi tiếng với truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, là quê hương của những người con ưu tú, những nhân tài cho đất Việt như: Hồ Sỹ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống, Hồ Sỹ Tuần, Hồ Bá Ôn, Phạm Đình Toái, Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu, v.v…
Ở đây tôi chỉ xin nói về nhân làng Quỳnh với công cuộc chống ngoại xâm từ 1930 đến 1945. ( là một phần nhỏ trong cả quá trình hơn 600 năm đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân làng Quỳnh).
Vào 1929, đầu 1930, tình hình chính trị ở Việt Nam rất sôi động. Phong trào đấu tranh của công và nông dân nổi lên nhiều nơi.
Ngày 3.2.1930 Đảng cộng sản Việt nam ra đời mở ra một bước ngoặt mới trong phong trào giải phóng dân tộc. Cũng ngay trong tháng 3 đó, chi bộ Quỳnh Đôi được thành lập và đây là một trong những chi bộ thành lập sớm ở Quỳnh Lưu. Việc thành lập chi bộ Cộng sản Quỳnh Đôi là một dấu ấn mới mẻ trong quá trình phát triển xã hội làng Quỳnh.
Ngày 18 tháng 3 năm 1930, phân cục Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung kỳ đóng tại Vinh phát truyền đơn kêu gọi các giới gia nhập các tổ chức quần chúng của Đảng để đấu tranh đòi các quyền lợi. Và nhân ngày kỷ niệm Lao động quốc tế 1 tháng 5, Đảng Cộng sản Việt Nam phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trong cả nước.
Huyện ủy Quỳnh Lưu họp hội nghị vào trung tuần tháng 6 năm 1930 tại Quỳnh Thuận. Hội nghị phát động đấu tranh. Cuộc đấu tranh ở Quỳnh Lưu diễn ra mạnh mẽ và cũng đã giành được một số thắng lợi lớn.
Quỳnh Đôi không phải là trọng điểm đấu tranh của toàn huyện trong cao trào 1930-1931. Nhưng Quỳnh Đôi đã trở thành một bộ phận tích cực trong cao trào cách mạng của huyện.
Mở đầu phong trào, những người Quỳnh Đôi đã hăng hái tham gia vào cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân làm muối vào ngày 20.6.1930, theo chủ trương của huyện ủy. Cuộc biểu tình đông tới 3000 người tham gia. Dân cư Quỳnh Đôi không phải là dân làm muối, nhưng cũng có nhiều người tham gia hưởng ứng, trong đó có đồng chí Hoàng Hữu Duyệt được Huyện ủy chỉ định làm người phất cờ đỏ búa liềm kêu gọi nhân dân tham gia cuộc đấu tranh. Anh đã anh dũng dẫn đầu đoàn biểu tình rầm rộ kéo tới đồn Phú Đức, rồi đồn muối Thanh Đàm, đấu lý với hai tên Tây đoan đồn trưởng, buộc chúng phải nhận yêu sách và hứa giải quyết. Cuộc biểu tình thắng lợi bước đầu đã kích thích phong trào lên cao. Công tác tuyên truyền, được đẩy mạnh nhằm động viên quần chúng vùng lên noi gương ở các huyện phía Nam Nghệ An.
Vào ngày 1.8.1930 nhân kỷ niệm ngày nhân dân thế giới đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, huyện đảng bộ Quỳnh Lưu có quyết định treo cờ, rải truyền đơn ở các địa điểm trọng yếu như ở thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Đôi, Quỳnh Xuân, Phú Mỹ để cổ vũ tình thần đấu tranh của quần chúng.
Phong trào đấu tranh ở Quỳnh Đôi hòa vào phong trào đấu tranh chung của toàn huyện, theo sát chỉ đạo của huyện đảng bộ. Tại Quỳnh Đôi, sáng sớm ngày 1.8.1930 đã thấy cờ đỏ trên ngọn cây chuối ở Bờ nậu, truyền đơn được rải trên đường làng, một số đồng chí được phái đi rải truyền đơn ở các làng lân cận.
Trước sự đấu tranh của nhân dân, địch tiến hành khủng bố trắng. Nhân dân Quỳnh Đôi cùng với nhân dân những vùng lân cận đã bị thất thoát khá nặng về tổ chức. Trong lúc khó khăn ấy, Tỉnh ủy cử một số cán bộ, đồng chí ra giúp đỡ Quỳnh Lưu. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của tỉnh ủy, huyện ủy Quỳnh Lưu khẩn trương chỉnh đốn tổ chức, tăng cường công tác đoàn thể và phát động cuộc biểu tình toàn huyện vào ngày 4.2.1931. Cuộc biểu tình nhằm chống sưu cao thuế nặng, chống bọn Tây bắt rượu và thuế muối, chống khủng bố, chống bắt bớ, tù đày, chống bắn giết những người tham gia phong trào biểu tình và phản đối việc tàn sát nhân dân hai làng Tân Hợp và Song Lộc huyện Nghi Lộc.
Theo đúng kế hoạch vạch ra, vào lúc 5 giờ sáng ngày 4.2.1931 khoảng 6000 người trong đó có nhân dân Quỳnh Đôi tập trung ở những địa điểm quy định cùng kéo về trụ sở huyện. Tại các nơi tập tung, sau khi nghe diễn thuyết, đoàn biểu tình đã kéo lên xã Quỳnh Thạch. Chánh tổng Phú Hậu là Nguyễn Bá Dư chạy vội lên báo cáo với huyện, bị tự vệ bắt giữ và giải về trình những người lãnh đạo phong trào biểu tình.
Đây cũng là một phong trào đấu tranh lớn nhất từ trước đến nay làm cho hệ thống chính quyền địch ở làng xã rệu rã, buộc địch phải điều quân ở một số nơi trong tỉnh đến để đàn áp. Chúng bắt bớ, giam cầm và tra tấn rất giã man các chiến sĩ yêu nước của Quỳnh Lưu trong đó có những người con làng Quỳnh. Tại Quỳnh Đôi, địch bắt được 5 người và đem ra chém ở cổng đình làng uy để uy hiếp phong trào đấu tranh của nhân dân, có 20 người Quỳnh Đôi bị kết án tù từ hai năm đến tù chung thân.
Quỳnh Đôi phải trải qua những ngày tháng căng thẳng sau phong trào 1930-1931. Và trước sự khủng bố dã man của kẻ thù, những nhà cách mạng Quỳnh Đôi vẫn bí mật hoạt động gây dựng cơ sở để đến khi có điều kiện thuận lợi lại tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh mới.
Đến năm 1935, huyện đảng bộ Quỳnh Lưu nói chung và chi bộ đảng xã Quỳnh Đôi nói riêng được phục hồi trong lúc tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mới.
Tháng 6.1940, quân đội phát xít Nhật kéo vào Đông Dương, nhân dân ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, cuộc đảo chính của quân đội phát xít Nhật xóa bỏ quyền cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương thì cách mạng Việt Nam mới có thời cơ lớn trong phạm vi cả nước.
Tại Quỳnh Đôi, trước ngày đảo chính của phát xít Nhật đã có vài đồng chí được ra tù như Dương Văn Lan, Dương Đức Nhuận, nhưng chưa thể hoạt động nhiều. Sau ngày đảo chính của phát xít Nhật, số đông những cán bộ bị giam từ các nhà tù đế quốc trên cả nước đều giành lại tự do trở về quê hương. Khi trở về quê, các đồng chí đã thận trọng liên hệ với nhau và bàn việc gây dựng lại phong trào và chắp nối liên lạc với các nơi trong huyện, trong tỉnh. Chính vì vậy, ngay từ trung tuần tháng 3 năm 1945, Quỳnh Đôi có tổ chức Thanh niên cứu quốc đầu tiên, rồi đến các tổ Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc.... Các tổ chức này phát triển khá nhanh.Cuối tháng 4 năm 1945 thì Mặt trận Việt Minh Quỳnh Đôi do Phan Hữu Khiêm chủ trì được thành lập.
Ngày 2 tháng 8 năm 1945, nhận được tài liệu hướng dẫn của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, đồng chí Dương Đình Thúy triệu tập Hội nghị thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng làng. Theo sự chỉ đạo của huyện, hội nghị bàn về việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới.
Ngày 14 tháng 8, chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Tổng bộ Việt Minh từ Việt Bắc phát lời hiệu triệu “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến”. Ngay chiều 14 tháng 8, đồng chí Trần Mai từ Huyện ủy về Quỳnh Đôi phát động khởi nghĩa. Trước khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân, ngay tối hôm 14 tháng 8 ấy, đồng chí Trần Mai bước lên diễn đàn đọc lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh, mọi người lắng nghe trong yên lặng rồi cùng vỗ tay reo vang. Đêm đó, hầu như quần chúng nhân dân Quỳnh Đôi không hề chợp mắt ngủ, họ trông chờ đến sáng ngày mai để đứng lên đấu tranh giành chính quyền.
Sáng 15 tháng 8, từ tờ mờ sáng, các đoàn viên thanh niên cứu quốc đã loa khắp thôn xóm, mời dân cư ra đình làng tham gia Tổng khởi nghĩa. Như chỉ chờ có thế, bà con nhân dân lần lượt kéo đến đình làng mỗi lúc mỗi đông với khí thế cách mạng ngùn ngụt. Đội Tự vệ chiến đấu do đội trưởng Nguyễn Ngọc Anh và chính trị viên Hoàng Trung Thông chỉ huy, dương cao cờ đỏ sao vàng, tiến vào sân đình. Bên cạnh đó, ban Hương lý của làng cũng được triệu tập và đứng nghiêm trang ở phía tây đình làng.
Trước khí thế ngùn ngụt lửa cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân Quỳnh Đôi, đồng chí Dương Đình Thúy với tư cách là Chủ tịch Ủy ban giải phóng Dân tộc của làng và Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, đứng lên dõng dạc tuyên bố “ Hôm nay toàn dân Quỳnh Đôi chúng ta hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh, cùng đứng lên giành lại chính quyền về tay mình, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng cùng với nhân dân toàn quốc thực hiện tổng khởi nghĩa, giành lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố từ nay xóa bỏ chính quyền cũ”. Dân cư làng Quỳnh vỗ tay vang trời, phấn khởi và quyết tâm giải phóng dân tộc hiện rõ trên từng khuôn mặt. Khi đó, ban Hương lý bưng một khay lớn gồm các sổ sách của làng và hộp triện lý trưởng nộp lại cho Ban khởi nghĩa. Ngay lúc đó Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Quỳnh Đôi được thành lập. Bầu không khí khởi nghĩa thắng lợi trùm lên toàn thể dân làng, ai cũng nô nức, phấn khởi vỗ tay reo hò chính quyền mới của mình. Bởi họ biết rằng từ đây họ bước vào một trang sử mới vẻ vang và tốt đẹp, cuộc sống của họ, của con cháu họ được đổi thay.
Sau khi khởi nghĩa thành công ở làng, một số đồng chí lãnh đạo làng Quỳnh như Hồ Mậu Đường, Hoàng Nhật Tân, Hoàng Trung Thông, Dương Thị Hồng Phương…đi phát động khởi nghĩa ở các làng trong huyện. Sáng 17 tháng 8, hàng trăm người dân làng Quỳnh do đội tự vệ võ trang dẫn đầu kéo lên Cầu Giát, hợp với đoàn biểu tình của các làng khác thực hiện khởi nghĩa cướp chính quyền toàn huyện thành công.
Cách mạng tháng Tám thành công. Nhân dân Quỳnh Đôi cũng như nhân dân cả nước đã sống trong không khí hào hùng của những ngày khởi nghĩa thắng lợi. Từ đây bắt đầu một bước ngoặt lịch sử lớn: cuộc đổi đời của nhân dân ta từ nô lệ thành chủ nhân đất nước độc lập, tự do.
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta không thể phủ định vai trò hết sức lớn lao của những người con Quỳnh Đôi trong cả quá trình đấu tranh và phát triển phong trào cách mạng trong cả nước.
Ngoài những người dân đang sinh sống trên mảnh đất làng Quỳnh, làng Quỳnh còn có rất đông con em do “nghèo” mà phải đi kiếm sống ở khắp mọi miền đất nước, hay những người rời làng quê ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc thân yêu. Nhưng những con người ấy lại có kiến thức nên khá đông trong số họ sớm giác ngộ cách mạng. Đến đâu, ở địa phương nào họ cũng đều tham gia phong trào cách mạng ở đó như ở Diễn Châu, Nghi Lộc, Vinh, Nghĩa Đàn, Thanh Hóa, Sơn Tây, Quảng Ninh…bên Xiêm, bên Lào, bên trung Quốc. Trong đó có hai người không thể không nhắc tới hai người đã có tác động mạnh đến vận mệnh của đất nước .
Người thứ nhất là Hồ Học Lãm, ông đi theo phong trào Đông du năm 1906, bị trục xuất về Trung Quốc, ông lại tiếp tục học Trường quân sự Bảo Định ở Bắc Kinh. Ra trường theo quyết định của Phan Bội Châu ông phải vào quân đội Trung Quốc để tạo điều kiện, cơ sở cho những nhà yêu nước Việt Nam sang Trung Quốc hoạt động. Là một sĩ quan cao cấp, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh thắng phát xít Nhật, đã giúp ngầm cho cuộc đấu tranh vũ trang của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông sáng lập ra hội “Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là “ Việt Minh” năm 1936. Năm 1941, ông làm chủ nhiệm biện sự sứ Việt Minh tại hải ngoại, mà Lâm Bá Kiện (Phạm Văn Đồng) làm phó chủ nhiệm. Ông và gia đình ông đã nuôi dưỡng, che chở cho tất cả những ai sang Trung Quốc hoạt động, với cả một tấm lòng vàng. Ông mong ước được về nước, nhưng rất tiếc khi ông chưa thực hiện được mong muốn đó thì ông đã qua đời, để lại sự thương tiếc cho gia đình và bạn bè, cho những người hoạt động cách mạng. Ông đã để lại niềm tự hào về một tấm gương yêu nước, một trái tim nhân hậu cho nhân dân làng Quỳnh.
Người thứ hai là ông Hoàng Ngọc Ân, ông xuất dương từ 1928, ông qua Xiêm rồi sang Trung Quốc và được Hồ Học Lãm giúp đỡ, nuôi dưỡng. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc. Năm 1941, ông đã đi về Pắc Bó Việt Nam với chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ VIII, được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương, trực tiếp làm bí thư Đảng ủy khu giải phóng Việt Bắc và được Trung ương phân công chỉ huy mặt trận Tây Tiến để mở rộng địa bàn sang vùng Hà Giang, Tuyên Quang…
Ngoài ra còn có rất nhiều người con Quỳnh Đôi khác ở trên mọi miền của tổ quốc dũng cảm đứng dậy lãnh đạo phong trào của quần chúng nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược.
Như vậy là, người con làng Quỳnh dù ở đâu, trên mảnh đất quê hương, hay nơi đất khách quê người đều đứng lên đấu tranh dưới lá cờ của Đảng, góp phần xương máu, trí óc và sức lực của mình để mang lại chiến thắng vang dội, đem lại nền độc lập cho dâm tộc, tự do cho nhân dân tháng 8 năm 1945.
Sau này trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những người con của làng Quỳnh vẫn anh dũng đứng lên bảo vệ quê hương, chống lại kẻ thù, không tiếc máu xương xông ra trận tuyến, để lại bao tấm gương vang dội trong lịch sử như anh Cù Chí Lan, đồng chí Hồ Tùng Mậu,…
Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ quê hương đất nước, năm 1996 Quỳnh Đôi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là một đánh giá đúng đắn của Nhà nước đối với làng Quỳnh, nó là niềm tự hào, là vinh dự lớn của nhân dân Quỳnh Đôi ngày nay và mai sau.
Tác giả bài viết: Th.s Ngô Thị Vân - Gv
Nguồn tin: Trường Chính trị Nghệ An
Ý kiến bạn đọc