Làng khoa bảng xứ Nghệ

Thứ năm - 17/10/2019 23:06 1.858 0
Khi nhắc đến làng Quỳnh Đôi (làng Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) mọi người luôn nghĩ ngay đây là đất học, làng khoa bảng, đất phát nhân tài nức tiếng cả nước. Ngay từ thời xa xưa, đã có những truyền tụng về Quỳnh Đôi, như: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”, “Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa / Ông Nghè, ông Cử như hoa vườn quỳnh”… Trong bài tựa cuốn Đại Nam Quốc sử diễn ca, học giả Hoàng Xuân Hãn đã nhận định: “Làng Quỳnh Đôi là làng văn học bậc nhất trong nước từ thời Lê Trung Hưng trở về sau”.
Cổng Làng Quỳnh Đôi (ảnh Facebook Cổ Tích)
Cổng Làng Quỳnh Đôi (ảnh Facebook Cổ Tích)

1. Về thăm làng Quỳnh lần này, ấn tượng đầu tiên trong tôi chính là cái cổng làng lừng lững nằm trên con đường đã mở rộng, rải nhựa trông như đang đi vào một phố mới nào đó. Tôi có phần hơi “sốc” vì cái cổng quá bề thế, nhưng bước qua cổng làng, những gì thuộc về “hồn cốt” làng Quỳnh gần như lại vẻn vẹn hiện ra trong tôi.

Ngay phía bên trái cổng làng là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia - mộ và nhà thờ Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích. Kế bên nhà thờ cụ Hồ Phi Tích là bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương, được xây dựng từ nguồn kinh phí của Quỹ Phát triển văn hóa Việt Nam - Thụy Điển tài trợ. Trên bia đá khắc ghi: “Hồ Xuân Hương là người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà là một nhà thơ nữ kiệt xuất, nổi tiếng về những bài thơ chống chế độ phong kiến ở thế kỷ 18-19”. Kế bên bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương là mộ nhà cách mạng - liệt sĩ Hồ Tùng Mậu. Bên mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu là tượng đài anh hùng Cù Chính Lan - người làm rạng rỡ truyền thống Quỳnh Đôi, nổi danh anh hùng đánh xe tăng đường số 6 trong chiến dịch Hòa Bình đông xuân 1951-1952.

 

Ông Phan Hữu Thịnh và những cuốn sách của ông viết về làng Quỳnh

2. Ông Phan Hữu Thịnh được mọi người trân trọng gọi là “ẩn sĩ làng Quỳnh”. Ông Thịnh năm nay đã bước sang tuổi 89, nhưng tinh thần làm việc của ông vẫn không ngưng nghỉ. Ông nguyên là chuyên viên cao cấp về lịch sử của Ban Tuyên huấn Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Cách đây hơn 20 năm, sau khi nghỉ hưu, ông rời thủ đô về làng Quỳnh “ở ẩn”. Và trong 20 năm qua, ông đã miệt mài khảo cứu, “tìm hiểu lại” về văn hóa, lịch sử, con người và tự bỏ tiền lương ra in 13 cuốn sách về làng mình.

Ông Phan Hữu Thịnh kể, theo Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu trong Quốc sử tạp lục thì làng Quỳnh vốn từ đầu là ba cái gò, là gò Dứa (Ma Lãnh), gò Ngọc và gò Trài. Ba cái gò này tách rời nhau, giáp sông, gần biển, nổi lên giữa một vùng mênh mông sóng nước, hình tựa những cái nồi nên thời đầu gọi là làng Nồi. Vào năm 1358, vùng đất này đã lọt vào “mắt xanh” của một người đang đi tìm “đất lành” cho con cháu, đó là cụ Hồ Kha, hậu duệ của Trạng nguyên, Thứ sử Châu Diễn Hồ Hưng Dật. Đứng trên gò cao nhìn ra bốn phương sẽ thấy vùng đất này phía Nam có lèn Yên Ngựa, phía Bắc là lèn Trụ Hải, phía Đông và phía Tây có núi Hiền Hoa và Qui Lĩnh chầu về, chếch hướng Đông Nam có Hòn Bút và Hòn Nghiên; phía Đông có sông Mai Giang uốn lượn rồi chảy ra Cửa Cờn... Với nhận thức và tâm linh thuở ấy, cụ Hồ Kha đã nhận ra đất này là “đinh long dẫn mạch, đinh thủy đáo đường”, con cháu đời đời sẽ khai thác những cảnh vật thiên tạo ấy như là điểm trợ lực về tinh thần để gây dựng sự phấn chấn trong học tập, sự nghiệp… Sau dần có các họ Nguyễn, Hoàng… cùng đến lập nghiệp và lập nên Thổ Đôi trang, đến năm 1528 được đổi tên thành Quỳnh Đôi thôn (làng gò Ngọc Quỳnh). Đến nay, Quỳnh Đôi phát triển lên với 42 dòng họ, dân số trên 4.300 người.

3. Tinh thần chịu khó, “khổ học” thành tài dường như đã thành “dòng chảy” đời nối đời của người làng Quỳnh. Người làng Quỳnh luôn nhắc nhau, động viên nhau: Bây giờ đi nước mỏi vai / Mai sau đi hán đi hài mỏi chân. Và chính cái tinh thần “khổ học” mà làng Quỳnh đã sinh ra cho đất nước biết bao nhân tài. Theo ông Phan Hữu Thịnh, làng Quỳnh có một đặc điểm rất khác với những làng xung quanh, đó là chọn việc học hành làm “nghề” để mưu sinh, giúp đời. Năm 1449, làng Quỳnh có người đầu tiên đi thi. Kể từ đó, truyền thống học hành, khoa bảng của làng dần nhen nhóm và nở rộ. Từ năm 1449 đến năm 1919, làng Quỳnh có 526 người đỗ tú tài, 208 cử nhân với 963 lượt đỗ ở 116 khoa, bình quân mỗi khoa có 8,3 người (chiếm 10%-11% của cả Nghệ Tĩnh). Về đại khoa có 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 2 hoàng giáp, 6 tiến sĩ, 4 phó bảng. Tiếp nối truyền thống khoa cử của ông cha, trong thời đại mới, làng Quỳnh có rất nhiều người đỗ đạt, thành danh. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, người làng Quỳnh có khoảng trên 100 người có trình độ trên đại học, trên 800 người trình độ đại học. Trong số này có 2 viện sĩ quốc tế, 4 giáo sư, 16 phó giáo sư, 55 tiến sĩ; 2 ủy viên Bộ Chính trị, 3 ủy viên Trung ương Đảng, 9 đại biểu Quốc hội, 11 Bộ trưởng và Thứ trưởng, 11 Bí thư và Phó Bí thư Khu ủy và Tỉnh ủy…

Quả thật, chỉ riêng việc kể tên các nhân tài của làng Quỳnh đã khó có thể cho chu đáo, không tránh khỏi thiếu sót. Như chính người làng Quỳnh ví von: Làng ta khoa bảng thật nhiều / Như cây trên núi như diều trên không. Hầu như trên mọi lĩnh vực đều có “bóng dáng” của những người con tài danh làng Quỳnh. Thời khoa cử xưa, có thể kể đến các tên tuổi như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống, Phan Hữu Tính, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Quế Phổ, Hồ Văn Trung, Hồ Bá Ôn, Dương Thúc Hạp, Hoàng Mậu, Phan Duy Phổ… Từ khi chấm dứt chế độ khoa bảng đến nay, có thể kể đến những tên tuổi: Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan, Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Nguyễn Xuân Dũng, Phan Tam Đồng, Phan Cự Tiến, Hoàng Trung Thông, Hồ Phi Phục, Hồ Đức Việt, Văn Như Cương…

Ông Hồ Đình Hợi - người chăm sóc nhà thờ Hồ Đại tộc

4. Tôi ghé thăm Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia - Nhà thờ Hồ Đại tộc. Gặp lại ông Hồ Đình Hợi, người trông coi nhà thờ. Vẫn như hơn 4 năm trước, khi nói về dòng họ mình, ông không giấu nổi tự hào. Ông như một “hướng dẫn viên” đưa tôi lật giở những trang sử họ Hồ. Trong khuôn viên nhà thờ, từ ngoài vào, về phía bên phải là tượng Hồ Quý Ly. Đối diện tượng Hồ Quý Ly, về phía trái khuôn viên là tượng Hồ Thơm - Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông Hợi bảo: “Chỉ riêng việc ông đã đánh tan quân Thanh, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước nhà đã là công lao vô cùng lớn, là niềm tự hào truyền đời cho dòng tộc chúng tôi”. Phía trước nhà thờ, tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được dựng lên trong một khuôn viên bên cánh đồng lúa xanh mướt. Bà chúa thơ Nôm tay trái cầm quạt, tay phải cầm bút lông nâng ngang mày như muốn “hạ” một bài thơ truyền lại nhân gian. Hai bên tượng khắc 2 bài thơ nổi tiếng của bà, là bài Bánh trôi nước và Đề đền Sầm Nghi Đống. Ông Hợi sang sảng đọc: Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo / Kìa đền Thái thú đứng cheo leo / Ví đây đổi phận làm trai được / Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!

Chia tay ông Hợi, tôi đi qua cánh đồng vào phía trong làng. Chợt đứng sững vì sự đổi thay của làng Quỳnh. Con đường giữa làng rộng thênh thang như phố, những ngôi nhà hai, ba tầng san sát mọc lên… Tự nhiên tôi lại liên tưởng làng Quỳnh như là một Nghệ An thu nhỏ. Lâu nay, người Nghệ An và người làng Quỳnh thường tự hỏi: Người mình nghèo (mà, nên) học giỏi, nhưng vì sao giỏi mà vẫn nghèo? Phải chăng, những nét phố ở làng Quỳnh đang dần “hóa giải” “nếp xưa”, chứng minh rằng: vì người làng Quỳnh học giỏi nên làng Quỳnh giàu?

Tác giả bài viết: Duy Cường

Nguồn tin: Báo Sài gòn giải phóng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dichvucongqd
Chăm sóc khách hàng điện lực miền bắc
TTGT Việc làm Nghệ An
Trả lời cử chi
Tra cứu tin nhắn Bảo hiểm
Tra cứu Bảo hiểm trực tuyến
Giải quyết khiếu nại tố cáo
Dự báo thời tiết
Ngày này năm xưa
Thăm dò ý kiến

Bạn đến từ nơi mô?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay319
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập78,247
GIỜ LÀM VIỆC
Mùa Đông
Buổi sáng 7h30 - 12h
Buổi chiểu 13h30 - 17h
Mùa Hè
Buổi sáng 7h - 11h30
Buổi chiều 13h30-17h
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây