Nơi về “đích” đầu tiên

Thứ ba - 30/08/2022 05:41 1.048 0
Xã Quỳnh Đôi vừa được tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Sự kiện lớn, đầy tự hào này của quê hương khiến tôi bồi hồi nhớ lại những danh nhân làm rạng rỡ làng mình. Cây gạo cổ thụ làng Quỳnh Đôi mấy mùa nay liên tiếp trổ hoa, những chùm hoa thật lớn như báo hiệu về những “mùa bội thu” sẽ tới. Cây gạo sững sững ngay cổng làng từ hàng trăm năm qua như biểu tượng bất diệt về truyền thống, về sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của làng Quỳnh.
Cổng làng/xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Nhật Thanh
Cổng làng/xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Nhật Thanh
Sâu bền gốc rễ

Hồi còn nhỏ tôi được ông nội nâng niu, dạy dỗ về tình yêu quê hương, đất nước. Tôi còn nhớ, nhiều đêm trăng sáng hai ông cháu nằm trên chiếc chõng tre đặt giữa sân, đón gió nồm từ biển về mát rượi. Ông thủ thỉ kể chuyện làng Quỳnh xa xưa và khuyến khích tôi bày tỏ cảm nghĩ về những mẩu chuyện đó, nhất là về những tấm gương học hành đỗ đạt của làng đã nuôi những ước mơ của tôi. Nhiều lần ông tôi ví truyền thống làng Quỳnh Đôi như một cây cổ thụ sừng sững, mùa nào, thời nào, cũng trổ hoa đỏ thắm tô đẹp quê hương.

Sau mỗi câu chuyện, ông thường khuyến khích tôi tìm ra sự khác biệt của làng mình hoặc những điều tôi thu hoạch được. Có lần ông hỏi về những vị đầu tiên có công thành lập làng, tôi hào hứng trả lời ngay:

– Thưa ông, các làng thường bắt đầu từ một vị được suy tôn làm Thành hoàng, nhưng làng ta lại có tới ba vị Thành hoàng cùng chiêu dân lập ấp. Ấy là cụ Hồ Hồng, cụ Nguyễn Thạc và cụ Hoàng Khánh. Các cụ là cụ tổ ba họ, còn gả con cho nhau, biểu hiện sự đoàn kết một lòng, thủy chung, cùng nhau quyết tâm xây dựng quê hương từ thuở bình minh lịch sử của làng, truyền thống đó lưu truyền cho đến bây giờ và mãi mãi về sau.

Ông tôi khen hiểu thế là đúng, là sáng dạ. Với niềm hứng khởi như lớp lớp sóng cồn, câu chuyện của ông cứ nối dài, nối dài hàng đêm.

Tôi không thể nhớ hết những danh nhân của làng, những người tâm huyết khai cơ lập nghiệp xây dựng vùng đất này, cũng như góp phần làm rạng rỡ quốc gia. Nhưng những điều ông tôi khai thị thì còn khắc sâu trong tâm trí, theo mãi đời tôi đến tận bây giờ. Nó bồi dưỡng, làm đầy thêm trong tôi tình yêu về một vùng quê văn vật với nhiều hào kiệt đã đi vào lịch sử nước nhà và chính họ đã viết nên những trang sử vẻ vang của làng mình. Bây giờ, lớp trẻ chúng tôi noi theo tiền nhân, kế tục và viết thêm vào cảo thơm ấy, góp phần làm cho nền văn hóa của làng, ngày càng phong phú, đồ sộ hơn.

Có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay tôi vẫn nhớ câu đầu tiên tôi được ông khai thị. Đó là một câu thành ngữ ấn tượng nhất tôn vinh về hai miền đất học.

“Bắc Hà: Hành Thiện

Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”

Ông tôi giải thích: “Lớn lên con sẽ hiểu, nhưng ông nói vắn tắt thế này: làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), cũng lớn như làng Quỳnh Đôi ta đây, xưa nay nổi tiếng về truyền thống hiếu học, là đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Người ta thống kê được, trong các triều đại phong kiến, làng có tới 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên; riêng thời Nguyễn có 88 người đỗ cử nhân, trong đó có 7 người đỗ đại khoa. Lịch sử làng Hành Thiện ghi rõ, có 4 quan thượng thư, 4 quan tổng đốc, 23 quan giúp việc triều đình và gần một trăm người làm tri phủ, tri huyện”.

Thấy tôi chậc lưỡi trầm trồ, ông nói thêm: “Dân gian truyền tụng như vậy là ghi nhận, tôn vinh thành tựu nổi bật về việc học của hai làng. Chỉ tính từ khi lập làng (năm 1378) đến khoa thi chữ Hán cuối cùng (năm 1918), nhiều sách ngày nay đều nói, làng Quỳnh Đôi ta có tới 734 vị đậu tú tài, cử nhân và nhiều vị đậu đại khoa, tiến sĩ. Trong đó, có những người đặc biệt nổi tiếng như cụ Hồ Sĩ Dương thế kỷ 16, đền thờ cụ ngay sau vườn nhà ta đây. Cụ hai lần đậu Trạng nguyên và làm đến chức Tể tướng. Chức ấy là tương đương chức Thủ tướng Chính phủ như ông Phạm Văn Đồng, mà trong nhà thờ của ta có treo ảnh ông ấy đấy”.

Nhiều buổi tối, tôi đòi ông kể về các danh nhân của làng, như Tể tướng Hồ Sĩ Dương, nữ sỹ Hồ Xuân Hương, v.v… Ông tôi vui lắm vì thấy cháu ham mê tìm hiểu về lịch sử, về truyền thống của làng. Những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân, đặc biệt là các giai thoại do ông kể cực kỳ hấp dẫn và có sức hút như nam châm đối với cái tuổi mới lớn của tôi. Theo năm tháng, một cách vô hình đã bồi đắp cho tôi một vốn văn hóa dày dặn về làng quê danh tiếng của mình.

Trong số các câu chuyện huyền thoại về cụ Hồ Sỹ Dương, tôi thích nhất câu mà Á Ngọc (tên cụ khi bằng tuổi tôi) thường hát khi gánh nước cho mẹ Hoàng Thị Tâm tại một quán xép của chợ Nồi. Bởi khi ấy, Á Ngọc đang là cậu thiếu niên khốn khổ, có gia cảnh bi đát vô cùng nhưng cậu vẫn lạc quan, và rất kỳ lạ là đã dự đoán được tiền đồ xán lạn của mình. Câu hát thật hào sảng:

“Ngày nay gánh nước mỏi vai

Ngày mai đi hán đi hài mỏi chân”.

Ông tôi giảng: “Đi hán đi hài là ý chỉ bậc quý tộc, chức vị cao sang. Một đứa trẻ bằng tuổi con, nhà nghèo mà dám ước mơ và tự nhận mình vào hạng người ấy là rất liều. Phải học giỏi và lượng được sức mình thế nào thì mới dám khẩu khí như vậy. Và thực tế, cậu thiếu niên ấy đã làm được điều này”.

Ông tôi còn bảo: “Cụ Hồ Sĩ Dương, không chỉ có ý chí và học giỏi thời còn trẻ mà khi đã làm quan to, người ta thường dễ thỏa mãn, nhưng cụ thì không, vẫn tiếp tục học tập và thi cử để trở thành Trạng nguyên “lưỡng quốc” của nước ta và nước Trung Quốc, thế mới khác thường!”.

Tôi nghĩ, tinh thần ham học, học tập cả đời ấy đã được các thế hệ người Quỳnh Đôi kế tục và thể hiện xuyên suốt cho đến ngày nay.

Nhiều đêm đòi ông kể chuyện, đến khi gà đã eo óc gáy, ông phải giục tôi ngủ để ngày mai đến trường. Những mẩu chuyện về cụ Trạng nguyên Hồ Sĩ Dương, về tài thơ của nữ sỹ Hồ Xuân Hương,… mãi đọng lại trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Đôi lúc tôi cảm nhận lớp hậu duệ của cụ những thời đại sau đó, cũng hao hao tính cách của cụ.

Tôi lại nghĩ về phong cách người làng Quỳnh ở một khía cạnh khác, đó là từ việc xây dựng các công trình văn hóa. Ấy là tôi đang ngắm ngôi đình làng cổ kính và ngưỡng mộ công trình bằng gỗ lim vĩ đại nằm ngay giữa làng.

Nghe các cụ cao niên của làng kể: cụ Phạm Đình Toái, làm quan, đã hảo tâm cúng cho làng ngôi đình làm nơi hội họp. Nó vượt tầm thời ấy và trở thành niềm tự hào của làng. Bây giờ nhìn những cây cột lim đen bóng cao sừng sững tôi cả cười cho một thời khắc nghiệt và tự hào vì ông cha mình sớm có một tư tưởng tiến bộ, đã làm phải ra tấm ra miếng, phải độc đáo, ấn tượng và dài lâu. Đó cũng là phong cách của người làng Quỳnh.

Với phong cách ấy, ngay từ thời cổ xưa làng Quỳnh đã có những công trình bằng vật chất và bằng tinh thần nữa, có giá trị to lớn, lâu dài. Một trong những tài sản tinh thần rất nổi tiếng, ai cũng dễ thấy, đó là bộ hương ước (hay khoán ước) của làng. Đây là một “bộ luật làng” qua nhiều trăm năm vẫn mang tính khoa học và tính nhân văn. Nó được viết ra do bộ phận trí thức của làng. Qua thực tiễn áp dụng người dân đã bổ sung chỗ thiếu sót, điều chỉnh chỗ chưa phù hợp để hoàn thiện bộ luật và đem đến cho nó sức sống trên sáu trăm năm, đến hôm nay vẫn có tính khoa học, pháp lý. “Bộ luật làng” đầu tiên của đất Việt này, đã tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, tinh thần hiếu học và trách nhiệm bảo vệ môi trường, cũng như nhiều vấn đề khác của cuộc sống cộng đồng làng xã xưa. Kỳ diệu thay, nhiều điều khoản trong bộ luật xa xưa ấy cho tới thời đại công nghiệp ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Chính nó đã vun đắp để “cây cổ thụ” của làng thời nào cũng trổ hoa tươi đẹp. Tiếp nối truyền thống sáng đẹp đó, những người con đất Quỳnh hôm nay, tiếp tục làm nên những bông hoa đẹp để phục vụ cho yêu cầu “Nông thôn mới kiểu mẫu”. Chị Cù Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Khuyến học xã và là Bí thư chi bộ xóm tôi, đã thống kê được rằng, hiện nay, xã Quỳnh Đôi đang có trên 300 người theo học và giảng dạy tại gần 30 trường đại học của cả nước. Trong đó, có 52 thạc sĩ, 57 tiến sĩ; 17 phó giáo sư và giáo sư, 02 người là viện sĩ quốc tế, 11 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong lực lượng quân đội, công an cũng có nhiều người ở cương vị chỉ huy, có 6 thiếu tướng, gần 50 đại tá. Ngoài ra, toàn xã có hàng trăm người là kỹ sư, cử nhân đang làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, văn học, nghệ thuật.

Đặc biệt, làng Quỳnh có nhiều “bông hoa” hoạt động, cống hiến trong lĩnh vực chính trị, nắm cương vị then chốt, lãnh đạo quê hương, đất nước trong thời chiến và cả thời bình. Họ đều để lại những dấu ấn về tài năng và đức độ. Tiêu biểu nhất là đại gia đình cụ Hồ Tùng Mậu và hậu duệ ba đời liền tiếp. Cụ Hồ Tùng Mậu là đồng chí gần gũi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở hải ngoại; con trai cụ là ông Hồ Mỹ Xuyên, từng làm lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An; lớp cháu nội của cụ có Hồ Anh Dũng, Hồ Đức Việt, cả hai đều là Ủy viên Trung ương, và một trong số đó là Ủy viên Bộ Chính trị.

Tính chung, làng Quỳnh có đến 5 vị ủy viên Trung ương, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị; 9 đại biểu Quốc Hội, 15 bộ trưởng, 31 tỉnh ủy viên, trong đó có 11 phó bí thư, bí thư tỉnh ủy. Những người đứng mũi chịu sào trực tiếp lãnh đạo cơ sở có 8 bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện.

Phải chăng đây là cơ sở để nhiều cụ làng tôi thường nói vui trong các buổi yến lão đầu xuân rằng: làng ta là làng làm quan. Còn tôi thì thầm nghĩ thêm: Trong thời đại hôm nay, làng Quỳnh còn rất nhiều người biết cách làm kinh tế, tạo dựng doanh nghiệp, họ là những doanh nhân thành đạt. Vậy là người làng Quỳnh hôm nay, đâu chỉ có chí làm quan, mà có cả gan làm giàu.

Mùa hoa Nông thôn mới kiểu mẫu
IMG 5938
Toàn cảnh xã Quỳnh Đôi hôm nay. Ảnh: Hồ Đức Vĩ
Có thể khái quát rằng: từ khi lập làng cho đến cách đây vài ba chục năm “cây cổ thụ” làng Quỳnh chỉ trổ hoa đơn lẻ. Nhưng gần đây, khi chủ trương xây dựng Nông thôn mới được tập trung đẩy mạnh, “cây cổ thụ” làng Quỳnh lại đơm hoa, nở nụ thành những chùm lớn. Ấy là lúc tinh thần tập thể được khơi dậy, được khích lệ cao độ tạo nên một sức mạnh, một nội lực vô cùng lớn để làng Quỳnh làm nên những điều kỳ diệu của một hình mẫu về Nông thôn mới.

Làng Quỳnh đã được tỉnh chọn xây dựng mô hình kiểu mẫu Nông thôn mới. Đó là vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ nặng nề đối với người dân quê tôi. Còn nhớ khi Quỳnh Đôi và xã Kim Liên quê Bác được chọn làm mẫu, nhiều người quê tôi rất lo lắng. Làm sao theo kịp Kim Liên, bởi Quỳnh Đôi không có tiềm năng để huy động nguồn lực kinh tế. Điểm xuất phát của xã Kim Liên cũng tốt hơn, bởi trước khi có phong trào xây dựng Nông thôn mới, họ đã có cơ sở vật chất hạ tầng khá nhất trong toàn tỉnh. Lãnh đạo xã Quỳnh Đôi cũng rất lo lắng, đã nhiều lần về Kim Liên và nhiều nơi khác học hỏi kinh nghiệm. Vậy mà, hôm nay Quỳnh Đôi đã đạt chuẩn kiểu mẫu, và còn là xã đầu tiên của tỉnh. Đó là một nỗ lực lớn, một “bông hoa lớn” do mỗi một người dân làng Quỳnh cùng chung sức tạo nên.

Anh Hồ Bảo Thông, Chủ tịch xã, trẻ tuổi, lớn lên từ làng, cuối tuần nào quần áo cũng lấm lem vì làm ruộng, thế mà anh lại có tâm hồn văn nghệ tươi trẻ. Tôi có cảm giác anh như cây gió trong rừng, vỏ xù xì mà ruột chứa trầm hương. Anh chưa viết thành tác phẩm văn chương nhưng lời nói của anh rất có hình ảnh “có cánh”. Có lần tôi gặp anh tìm tài liệu. Anh nhiệt tình cung cấp, khi thấy trong báo cáo toàn con số, tôi đâm ra ái ngại. Đoán được tâm trạng ấy, anh động viên:

– Cây cổ thụ càng nhiều hoa thì cành càng phải vững chắc đúng không? Tôi nghĩ thớ gỗ chắc chính là những con số thống kê đấy anh ạ. Không có những thớ gỗ khô khan, xù xì đó thì làm sao nâng đỡ được những đài hoa và những chùm hoa nặng trĩu? Lại nữa, hoa đẹp còn nhờ ở lá, nhờ ở nền phía sau. Lá, nền ấy chính là sự phát hiện, sự tinh nhạy, phân tích giới thiệu của văn nghệ sĩ các anh đấy!

Nói rồi anh cười kha kha. Tôi nghĩ, ai sống trong đất văn vật làng Quỳnh này cũng có ít nhiều chất văn nghệ, hài hước như thế. Thì đấy, chẳng đâu xa, anh Hồ Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy, ít phô ra lời nhưng cũng là người hóm hỉnh, tế nhị khi trò chuyện với cánh nhà văn và du khách đến thăm đó thôi.

Thế rồi tôi hỏi anh Thông về kinh phí đầu tư để Quỳnh Đôi trở thành đơn vị kiểu mẫu. Chủ tịch nói trầm, nói vo, không cần mở sổ: đến nay cả 10 tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu xã đều đạt và vượt. Trước hết là vấn đề cơ cấu kinh tế. Như các anh biết, một cơ cấu hợp lý cũng như một cơ thể người con gái đẹp và khỏe mạnh. Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu kinh tế hợp lý thể hiện ở xu hướng trong nông nghiệp – phụ thuộc tự nhiên và giá trị thấp – giảm dần. Theo đó, Quỳnh Đôi bây giờ tỷ lệ nông nghiệp từ thuần nông giảm xuống chỉ còn gần 22%; công nghiệp – xây dựng tăng dần lên với 28% và dịch vụ chiếm 50%.
IMG 6167
Nhân dân xã Quỳnh Đôi vừa đóng góp xây dựng giao thông nông thôn vừa chăm sóc cây hoa làm đẹp
những con đường quê hương.. Ảnh: Hồ Đức Vĩ
Ở Quỳnh Đôi hiện nay, mảng dịch vụ tăng cao nhờ giao thông thuận lợi, và sự sáng tạo dám nghĩ, dám làm của người dân nên các vùng nước mặn chua phèn năn lác trước đây đã thành khu nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, cá mú, cá chim biển, cá nâu, v.v…. Một số vùng chiêm khê mùa thối, úng sục quanh năm bây giờ cũng trở thành khu nuôi chạch sụn, cá lóc, ếch, lươn. Anh có tin không, theo thống kê trên địa bàn có tới một nghìn người (trong tổng số bốn nghìn cư dân) của xã ta hưởng chế độ hưu và phụ cấp nhà nước). Tất cả góp phần làm cho thu nhập bình quân đầu người xã ta đạt tới 59,7 triệu đồng (năm 2021), con số không ít người hoài nghi.

Thời gian mươi năm lại đây, bằng sức đóng góp của người dân, bằng sự hỗ trợ của ngân sách xã, huyện và chế độ khuyến khích của tỉnh, cũng như các nguồn hỗ trợ khác, nguồn thu của xã nhà rất lớn. Anh cứ tưởng tượng, trên địa bàn rộng hơn 400 ha đất tự nhiên mà đầu tư 222 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa thì không đổi mới diện mạo sao được. Cụ thể, trong tổng vốn đầu tư đó ngân sách xã, huyện chỉ có 78 tỷ đồng. Số còn lại (75%) do dân và những người hảo tâm đóng góp. Điều đó phải chăng đã thể hiện một làng Quỳnh giàu có và đồng thuận?
IMG 6443
Từng con ngõ ở Quỳnh Đôi đều được Nhân dân đồng lòng mở rộng và cùng nhau tạo những bờ cây
làm nên vẻ đẹp xanh, sạch. Ảnh: Hồ Đức Vĩ
Trong cơ cấu đầu tư, ưu tiên nhất là cho hệ thống giao thông nông thôn và nội đồng. Con số này là 30 tỷ đồng có lẻ. Quỳnh Đôi vốn là vùng chiêm trũng, đồng đất lầy thụt. Thế mà nay, tất cả hệ thống giao thông với tổng chiều dài 16,5 cây số trong số 20 cây số đường trục chính đã được cứng hóa, mặt bê tông hoặc láng nhựa. Hai bên những con đường ấy là hoa, là cây cảnh. Mặt đường rộng bình quân từ 5-6m, thuận lợi cho các loại xe công nông, máy kéo, máy gặt đi lại dễ dàng. Đường thôn xóm cũng bê tông rộng trên 4m, đi lại phơi phong thoải mái.

Về thủy lợi, tổng vốn đầu tư thêm 22 tỷ đồng nữa. Các con đường lớn dẫn ra các cánh đồng làng, giờ cũng được cứng hóa, kèm theo mương tưới, tiêu. Đã thấy người đi thăm ruộng bằng xe máy, xe đạp. Hiện nay đang kè bê tông kênh Cù Chính Lan bước đầu gần 10 tỷ đồng.

Tôi nhìn qua cửa thấy những đường dây điện cao ngất, dây chùng võng, phát ra những tiếng rít vù vù. Tìm hiểu được biết, mặc dù lưới điện đã bàn giao cho điện lực Nghệ An nhưng xã vẫn đầu tư thêm 3 tỷ đồng nữa để nâng cấp đường dây chuyển tải sau công tơ tổng. Sử dụng điện đòi hỏi phải thận trọng, nhất là sự cố đường dây của một vùng đất lắm mưa bão như ở đây. Hiện nay các mạng đường dây xương cá trên địa bàn xã, đã thay cột điện bằng gỗ trước đây bằng những cột điện bê tông và dây chuyển tải trần được thay bằng dây vỏ bọc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

May thay đang định tìm hiểu về mảng văn hóa xã hội thì gặp anh Hồ Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy vừa đi họp ở huyện về. Uống bát nước chè xanh vừa xong, anh trao đổi với tôi về việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa giáo dục, y tế, môi trường. Đây là những tiêu chí đòi hỏi cao trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Anh nói thêm: Nhiều khi con người được thỏa mãn lại ở ngay những hoạt động và hưởng thụ nguồn phúc lợi này. Do vậy, những năm qua vừa đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, đồng thời Đảng bộ cũng đặc biệt quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa – xã hội với số tiền lên đến 9,5 tỷ đồng. Nhờ thế, 8 câu lạc bộ văn hóa thể thao đã hoạt động đều và ngày càng có nhiều người tham gia. Trung tâm văn hóa đa chức năng của xã đã được xây dựng với tổng diện tích trên 380m2 có đầy đủ trang thiết bị, nội thất. Hội trường cấp xã mà có sức chứa tới 250 ghế ngồi, chính quyền và Nhân dân thoải mái hội họp, thưởng thức văn nghệ. Trong trung tâm có đầy đủ các phòng chức năng: thư viện, phòng truyền thống. Tất cả đều khang trang, hiện đại. Xã còn đang xây dựng nhà tập luyện thể thao đa chức năng 1.200m2 trị giá trên 13 tỷ, nhà thể thao cấp xã lớn nhất toàn quốc.

Đầu tư cho giáo dục của xã mấy năm gần đây đã đến 7,5 tỷ đồng. Các trường học trên địa bàn như: Trường mầm non, trường cấp một, cấp hai mang tên Hồ Tùng Mậu, đều được đầu tư đầy đủ thiết bị dạy học, xây dựng khuôn viên… nhờ thế các cấp học đã đạt chuẩn quốc gia đợt đầu tiên. Trong lĩnh vực y tế, xã đầu tư cho công tác bảo đảm sức khỏe ban đầu đến 3,5 tỷ đồng. Do vậy, Quỳnh Đôi là xã đạt chuẩn quốc gia y tế từ những năm 2014. Các đoàn thể còn vận động, hướng dẫn bà con mua bảo hiểm y tế tự nguyện, phòng lúc tuổi cao sức yếu gặp phải bệnh hiểm nghèo. Theo thống kê, cứ mười người dân ở xã thì đã có chín người mua bảo hiểm y tế tự nguyện.

Tôi hỏi anh Tuấn về lĩnh vực thương mại và môi trường vệ sinh thôn xóm. Tưởng hai vấn đề không liên quan đến nhau cần giải thích thêm nhưng anh cười cười, nói ngay:

– Tôi nghĩ, cuộc sống của bà con xã ta bây giờ ngoài làm ruộng, chăn nuôi truyền thống, còn phải nói đến vai trò của ngành thương mại như anh vừa hỏi. Thực tế nó cũng đóng góp đáng kể và thể hiện vai trò mới mẻ nữa đấy anh ạ. Thương mại trong nông thôn Quỳnh Đôi, coi vậy chứ cũng đóng góp được 4,2 tỷ đồng, còn hơn cả lĩnh vực chăn nuôi đấy. Bây giờ anh đi khắp các ngõ ngách đều thấy hàng hóa bày bán ê hề, cái gì cũng có, thậm chí có mấy cái siêu thị mini nữa. Tôi muốn nói thêm với anh về chợ Nồi, cái chợ gần nhà anh, cái chợ có từ hồi cậu bé Hồ Sĩ Dương gánh nước cho mẹ bán, cái chợ đã đi vào văn chương và đã nuôi lớn bao danh nhân của làng. Nay nó vẫn được bảo tồn và nâng cấp. Chợ đã đạt chuẩn hạng “ưu” loại chợ vùng nông thôn, với diện tích đình chợ đến 150m2, khuôn viên trên 3000m2, hàng hóa phong phú.

Thấy trời đã chiều tôi hỏi nhanh về con số đầu tư cho môi trường, vệ sinh và nước sạch. Tất cả anh đều nắm tỉ mỉ, thuộc con số làu làu. Được biết xã đã đầu tư trên 4 tỷ đồng xây dựng nguồn nước sạch, đầu tư cho vệ sinh môi trường. Hiện nay, xã đang nâng cấp nhà máy nước sạch trị giá gần 10 tỷ đồng do ngân sách xã và Nhân dân đóng góp. Trước khi chia tay anh cho biết thêm: lĩnh vực an ninh trật tự cũng được xã đầu tư 4,5 tỷ đồng.
IMG 7439 (Copy)
Bộ mặt của xã được chỉnh trang tạo nên nét tươi mới, hiện đại. Ảnh: Hồ Đức Vĩ
Từ trụ sở ủy ban về tôi chợt nghĩ: không chỉ những người dân chăm bẵm ruộng vườn chưa rõ những vấn đề to lớn của xã, mà những người làm nghề văn hóa – xã hội như tôi cũng nhiều khi thấy quê hương đổi mới mà không biết tường tận đã đầu tư cho nó như thế nào. Hơn thế, cũng không thấy hết những dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện đại, từ hôm qua đến hôm nay đã diễn ra ra thế nào để hôm nay làng Quỳnh có một mùa hoa rực rỡ như vậy. Phải tìm hiểu mới thấy hết sức mạnh nội lực của làng quê mình, một làng quê giàu truyền thống và biết phát huy truyền thống để phát triển mạnh, giàu.

Mải suy tư, chậm rãi bước trên con đường rợp bóng cây xanh, ngẩng đầu lên đã thấy cây gạo cổ thụ trước cổng làng. Cây gạo cổ thụ sừng sững vươn trong nắng chiều màu vàng nhạt, phía xa xa là mênh mông những cánh đồng. Một cảm xúc rưng rưng dâng trong lồng ngực. Nhìn sang bên trái, đôi mắt tôi dừng lại để ngắm kỹ hơn cổng làng Quỳnh bệ vệ, uy nghi và cổ kính. Quần thể di tích thiêng: nhà thờ Hoàng giáp Quỳnh quận công Hồ Phi Tích, Nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, rồi Lăng mộ nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu nằm gần cổng làng và xa hơn chút nữa là tượng đài anh hùng đánh Pháp Cù Chính Lan… càng tôn thêm nét uy nghiêm của một ngôi làng có truyền thống văn hóa dày dặn và bền vững. Một ngôi làng nhưng có tới 9 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh luôn được các thế hệ người làng chăm sóc và gìn giữ. Hiện nay xã Quỳnh Đôi đang tiếp tục dành 13ha đất cũng ở khu vực này để xây dựng khu tưởng niệm danh nhân văn hóa, nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Tựa vào cổng làng, tôi ngắm nhìn trời nhìn đất, nhìn cây gạo cổ thụ sững sững giữa trời chiều chín vàng, nhìn quang cảnh tuyệt đẹp của làng mà lòng tràn đầy một niềm tin: chính quyền và Nhân dân Quỳnh Đôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm nên những mùa hoa rực rỡ trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.


Nghe đọc tại kênh VOV6 http://vov6.vov.vn/diem-hen-van-nghe/noi-ve-dich-dau-tien-c158-34816.aspx

Tác giả bài viết: Hồ Ngọc Quang

Nguồn tin: quynhdoi.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dichvucongqd
Chăm sóc khách hàng điện lực miền bắc
TTGT Việc làm Nghệ An
Trả lời cử chi
Tra cứu tin nhắn Bảo hiểm
Tra cứu Bảo hiểm trực tuyến
Giải quyết khiếu nại tố cáo
Dự báo thời tiết
Ngày này năm xưa
Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về Website?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay319
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập78,247
GIỜ LÀM VIỆC
Mùa Đông
Buổi sáng 7h30 - 12h
Buổi chiểu 13h30 - 17h
Mùa Hè
Buổi sáng 7h - 11h30
Buổi chiều 13h30-17h
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây