Sách xuất bản lần đầu tiên từ chính bản dịch, viết tay của Hồ Đức Lĩnh, dày 450 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, gồm hai tập (tập I: 362 tr., tập II: 88 tr.). Sách không chỉ nói về lịch sử mà còn đề cập đến xã hội học, dân tộc học, văn hóa học… của làng Quỳnh Đôi từ ngày thành lập (1378) đến 1963.
Trang Thổ Đôi là tên khai cơ của xã Quỳnh Đôi ngày nay, có bề dày lịch sử 627 năm (2005), là một làng văn hiến nổi tiếng trong cả nước. Từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” (1).
Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh là ba ông tổ họ ở Quỳnh Đôi ngày nay, là những người khai phá Trang Thổ Đôi, về sau các dòng họ khác đến tiếp cùng nhau xây dựng… Tính đến năm 1962 đã có 47 dòng họ.
Nghiên cứu “Khoán ước, phong tục – lệ làng”… ta thấy nổi bật lên các truyền thống yêu nước, hiếu học, nhân nghĩa, dân chủ, trọng công bằng, đoàn kết cộng đồng…
Quỳnh Đôi là một làng nghèo khổ, đồng chua nước lợ… nhưng lại là “một cái nôi khoa cử ở xứ Nghệ” (2). Tính từ khi bỏ thi chữ Nho (1918) trở về trước, Quỳnh Đôi có 707 người đỗ từ đầu xứ đến tam giáp, nhị giáp, tiến sĩ… “Ngoài làm ruộng, đó là làng học, làng nho sĩ, có nhiều người làm thầy đồ, lắm danh sĩ, nhiều sĩ phu yêu nước, nhiều chiến sĩ cách mạng…” (3). Trong số đó có nhiều đại thần, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, sử học mà cả nước biết đến. Đó là tiến sĩ – đông các đại học sĩ Hồ Sĩ Dương; tiến sĩ – hoàng giáp Hồ Phi Tích; tiến sĩ – hoàng giáp Hồ Sĩ Đống… Rồi giải nguyên Hồ Sĩ Tôn, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân… Sau này có Hồng lô tự khanh Phạm Đình Toái đã hoàn thiện tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca (4).
Được biết, Bảo tàng Tây Sơn, tỉnh Bình Định giới thiệu nguồn gốc gia tộc anh em Nhạc – Huệ – Lữ vốn dòng dõi họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, con cháu của Hồ Sĩ Anh (còn gọi là Hồ Thế Anh, sinh năm 1618) – là ông tổ năm đời của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm).
Sách cho ta biết tiểu sử Hồ Phi Diễn – thân phụ nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương – “Bà chúa thơ Nôm” (tr.215)… Ngoài ra ta còn đọc được tiểu sử nhiều nhà giáo nổi tiếng trong cả nước ở thế kỷ 18 – 19: Phan Hữu Tính, Phạm Đình Trọng, Hồ Trọng Điển, Hồ Trọng Kỵ…, học trò của các ông nhiều người đỗ đại khoa…
Những tấm gương trung liệt như phó bảng Hồ Bá Ôn – án sát Nam Định đã chiến đấu đến cùng để giữ thành Nam. Tiến sĩ Văn Đức Giai anh dũng hi sinh tại mặt trận Quảng Yên. Tiếp đó là Hồ Bá Trị, Hồ Bá Kiện, Hồ Học Lãm… Bước sang giai đoạn có Đảng Cộng sản lãnh đạo, lớp lớp người con trung hiếu làng Quỳnh Đôi lại lên đường tham gia cách mạng: Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan…
Nghiên cứu Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên ta còn đọc được những văn bia, biển ký, văn mừng, văn điếu của Bùi Huy Bích, Phạm Đình Hổ.
Tập 2 cho ta biết sự đổi thay của làng Quỳnh Đôi (giai đoạn từ 1857-1963) trong những năm hưởng ứng phong trào chống Pháp… Sách còn cho biết nguồn gốc 11 nghề thủ công truyền thống – đặc biệt là nghề dệt lụa…
Tập 1 được soạn từ năm 1856 – 1857 nên nội dung có những chỗ không thể thoát khỏi quan điểm, ý thức hệ tư tưởng phong kiến. Đó là lịch sử.
Rất tiếc sách chỉ viết đến thời điểm năm 1963!
(1) Làng Hành Thiện là làng nổi tiếng nhiều người đã đỗ đạt Hán học từ tú tài đến đại khoa. Nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Hoan Diễn là Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Làng Quỳnh Đôi nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
(2) (3) Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên và vấn đề tìm hiểu văn hóa xứ Nghệ, của PGS Ninh Viết Giao, NXBTH TP.HCM, 2005, tr. 5,6,9.
(4) Đại Nam quốc sử diễn ca – Lịch sử Việt Nam, NXBBVHTT, 2004, tr. 61.
Tác giả bài viết: Hồ Phi Tiến
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc