Trong không khí vui tươi của những ngày đầu xuân mới; trên mãnh đất Quỳnh Đôi quê hương của truyền thống học hành khoa bảng, mảnh đất Anh hùng trong chống giặc ngoại xâm; đầu xuân này Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Đôi vui mừng kỹ niệm 640 năm thành lập Làng và tổ chức lễ Kỳ phúc xuân Mậu tuất 2018. Đây là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể nhân dân Quỳnh Đôi cũng như con em của quê hương đang sống và làm việc ở mọi miền Tổ quốc.
Ngược dòng thời gian cách đây 640 năm vào cuối thời nhà Trần, năm 1378 ba Cụ là Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh cùng nhau đến mãnh đất này khai cơ, lập ấp trên một vùng đất hoang sơ với nhiều gò bãi đang trong quá trình bồi tụ, lấy tên là Thổ Đôi Trang, theo ý niệm về phong thủy thì đây là vùng đất có bút dọi, nghiên soi, hội tụ khí thiêng của trời đất, hứa hẹn một tương lai tươi sáng, đậu đạt cho con cháu sau này. “Đất lành chim đậu”, không lâu sau người của các dòng họ khác lần lượt nối tiếp nhau về hội tụ ở mảnh đất này, tạo nên xóm làng trù phú đông vui; đến năm 1528, Bao vĩnh hầu Hồ Nhân Hy đổi tên Thổ Đôi thành làng Quỳnh Đôi “Ví như viên ngọc đỏ tươi” và tên gọi làng Quỳnh được bắt đầu từ đó. Viên ngọc đỏ vẫn tỏa sáng mặc cho bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, những con người Quỳnh Đôi vẫn cố kết bền chặt với quê hương, với cộng đồng làng xóm bởi một bản sắc văn hóa làng; mà dòng chủ lưu là Gia đình - Làng - Nước.
Để có một Làng văn hóa, xã Anh hùng, xã nông thôn mới như ngày nay quả là một kỳ tích, cùng với sự dan truân của biết bao thế hệ Cha ông, tổ tiên chúng ta đã bền bỉ khai khẩn ruộng đồng, xây dựng, bảo vệ làng trong suốt 640 năm qua.
Nhân dịp đầu xuân trong không khí rộn ràng chuẩn bị cho lễ kỹ niệm 640 năm thành lập Làng và lễ Kỳ phúc xuân Mậu tý 2018; người viết bài này chỉ xin nêu lại những sự kiện, những nhân vật mang tính tiểu biểu làm nên một bản sắc văn hóa Quỳnh Đôi. Đây cũng là lời tri ân với các thế hệ tiền bối, với các anh hùng liệt sỹ những người con của quê hương đã xã thân vì đất nước.
Trước hết nói về phát triển kinh tế: là một Làng mà nghề nông là chủ yếu nên các Cụ ta ngày xưa đã dầy công khai khẩn đất đai, quai đê lấn mặn, mở mang địa giới, với biết bao công trình mà địa danh của nó vẫn lưu truyền đến tận ngày nay như bờ nậu, bờ re, đập bản, đập phú sỹ, đập bút, đập góc… rồi hói nồi, hói ông Hành, đầm tả mạc.v.v. Cùng với việc trị thủy là việc san lấp gò, cồn tạo ra những mãnh đồng bằng phẳng như đồi tương, cồn môi, cồn dứa, cồn gãi, rồi rục lăng, rục chả, rục lùm, Học điền v.v, những địa danh mới chỉ nghe tên thôi mà đã hình dung được sự vất vả nhọc nhằn của cả cộng đồng người Quỳnh Đôi trải qua bao thế hệ phải gồng mình để cải tạo tự nhiên, chống chọi với thiên tai, xây đắp nên cơ đồ để lại cho hậu thế những cánh đồng màu mỡ ngô lúa xanh tươi như ngày nay.
Ngoài việc trồng trọt, kinh tế Làng Quỳnh dần du nhập về những nghề mới như nghề mộc do bà Trương Thị Thành phu nhân của Quận công Hồ Sỹ Dương mang về, nghề dệt lụa một nghề nổi tiếng của phụ nữ làng Quỳnh từ thế kỷ thứ 17 do phu nhân của Quận công Hồ Phi Tích mang từ Hà đông về phổ biến cho phụ nữ trong Làng; nghề làm bún do bà Châu Ngọc Bội vợ tri huyện Nguyễn Thụ mang về truyền lại cho dân đến nay bún làng Quỳnh vẫn nổi tiếng với hương vị riêng không lẫn vào đâu được; nghề hương trầm đã có từ lâu nay vẫn được duy trì và phát triển thành một làng nghề truyền thống; cứ theo thời gian một số nghề mới do số người đi xa mang về thành những nghề phổ biến trong làng; lúc này kinh tế Quỳnh Đôi xuất hiện tầng lớp tiểu thương và thương nghiệp bắt đầu phát triển, do nhu cầu trao đổi hàng hoá nên chợ Nồi được hình thành vào khoảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, từ đó chợ Nồi trở thành trung tâm buôn bán nhộn nhịp của cả vùng. Tuy qua nhiều lần thay đổi địa điểm nhưng cái tên chợ Nồi vẫn gắn bó với làng Quỳnh Đôi.
Nói về văn hoá chúng ta phải nhắc tới sự kiện đầu tiên vào năm 1440 khi thầy Dương Văn Khai được mời về làng dạy học, là người thầy đầu tiên của làng, Người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng sau này, đây là nét chủ đạo trong bản sắc văn hóa làng Quỳnh xuyên sốt thời gian đưa Làng Quỳnh nổi danh với câu truyền khẩu “Bắc hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” và truyền thống đó được phát huy cho đến ngày nay. Nói đến văn hoá Làng Quỳnh là nói đến một làng văn hoá cổ, một làng văm hoá tiên tiến đậm đà bản sắc và thuần khiết, bởi chứa đựng trong mình nó là một kho tàng di sản văn hoá bao gồm văn hoá vật thể và phi vật thể. Hiếm thấy nơi đâu nhưng mãnh đất này, một làng quê với không dan sinh sống của dân cư chưa đầy 1 Km2 mà có tới 9 di tích Lịch sử - Văn hoá đã được xếp hạng; trong đó có 8 di tích Quốc gia như; Đền Thần; Đình làng, Nhà thờ Họ Hồ, Nhà thờ họ Nguyễn, Đền thờ Hoàng Khánh, Đền thờ Quận công Hồ Sỹ Dương, Nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích, Nhà thờ họ Dương đặc biệt là cụm di tích Quốc gia Nhà thờ và Mộ cụ Hồ Tùng Mậu nhà hoạt động cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng, cùng nhiều công trình gắn liền với, sự kiện, tên tuổi của những người Quỳnh Đôi đã đi vào lịch sử của dân tộc như; Bia tưởng niệm nữ sỹ Hồ Xuân Hương, Bia tưởng niệm Anh hùng Cù Chính Lan, đài tưởng niệm các liệt sỹ 1930 - 1931, vườn xô viết và nhiều chứng tích khác đang trường tồn với thời dan; những di sản đó là công sức và cả máu xương của lớp lớp các thế hệ người dân Quỳnh Đôi đã dần hình thành nên và kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc; với một mật độ di tích đậm đặc như vậy thể hiện chiều sâu, bề dầy của một làng văn hiến, xã Anh hùng.
Làng Quỳnh còn nhiều các di tích, tuy đến nay những di tích đó không còn hiện hữu nhưng tên tuổi, bóng dáng vẫn đọng mãi trong tâm trí của người Quỳnh Đôi như: Nhà Thánh, Hiền từ, chùa Quỳnh Thiên, Chùa Đồng tương, cây gia, cây gạo cổ thụ, cống đá, giếng Bà Cả, giếng Bà Lê…
Cũng do điều kiện đất hẹp người đông phát triển kinh tế khó khăn nên đã từ xa xưa ở Làng đã hình thành một nghề đó là “ nghề học”, quan niệm của người Quỳnh Đôi về học đó là học để hiểu đạo lý, học để làm người, học để “tiến vi quan, thoái vi sư”, học để tìm cái chữ mưu sinh cho cuộc sống bản thân và gia đình, do đó mà bao đời nay làng Quỳnh nổi tiếng là một làng học, làng khoa bảng. Theo sách “Quỳnh Đôi khoa danh trường biên” thì nếu tính đến năm 1918 số người thi đậu của Quỳnh Đôi là 757 người trong đó 539 tú tài, 203 cử nhân, 6 phó bảng, 10 tiến sỹ, tiếp bước truyền thống học hành của cha ông sau cách mạng tháng 8/1945 lại nay; theo thống kê chưa đầy đủ cả xã có hơn một ngàn cử nhân, 52 thạc sỹ, 55 tiến sỹ, 16 phó giáo sư, 4 giáo sư, 3 viện sỹ, tiểu biểu một gia đình có ba anh em ruột đều là giáo sư viện sỹ .
Ở làng Quỳnh thời nào cũng sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh sỹ, trí thức, những nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu mà tên tuổi của họ đã đi vào lịnh sử của dân tộc.
Đáng tự hào nhất là bản hương ước cổ của làng Quỳnh Đôi ra đời vào năm 1638 do viên ngoại lang bộ công Phan Khuê đề xướng trên cơ sở tập hợp những khoán ước của Làng. Nội dung tư tưởng của bản hương ước làng Quỳnh Đôi đề cao đạo đức, lễ nghĩa nho giáo, xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng, tôn trọng lợi ích và đề cao nghĩa vụ cá nhân với gia đình, làng xóm, thực hiện dân chủ chống áp bức bất công, coi trọng giáo dục, khuyến học, kính trọng người cao tuổi, người có học hơn người làm quan. Bản hương ước làng Quỳnh ra đời từ rất sớm nhưng đã chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ về pháp lý và dân chủ góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội, xây dựng các hành vi tự giác của từng cá nhân tạo ra sức mạnh cộng đồng để xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ làng xã.
Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Làng, Nước người Quỳnh Đôi luôn giữ khí phách xã thân vì quê hương, vì nghĩa lớn như sự kiện ngày 18 tháng 11 năm Ất Dậu 1885 để bảo vệ dân làng khỏi cảnh máu lữa 80 người con của Làng Quỳnh đã dũng cảm hy sinh trong đó có; lang trung Phan Duy Thanh, cử nhân Trương Đình Thiêm, Hồ Bá Trị, Lê Xuân Khai .v.v, đặc biệt trong hai cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Quỳnh Đôi đã đóng góp cho đất nước đến thời điểm hiện tại có 21 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 226 liệt sỹ, hơn 151 thương binh, trong đó có Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan và 80 người là Lão thành cách mạng.
Sẻ là thiếu sót khi nói về truyền thống của một làng văn hiến mà không kể ra những danh sỹ, chí sỹ tiêu biểu có nhiều công lao với đất nước, quê hương tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử dân tộc và làm rạng danh quê hương chúng ta: Đầu tiên vào cuối thế kỹ thứ 14 là các cụ tổ của ba họ Hồ, Nguyễn, Hoàng, sang thế kỷ thứ 15 tiêu biểu có cụ Hồ Hân, cụ Trần Bá Đắc, cụ Nguyễn Tu, cụ Hoàng Chung và cụ tổ họ phan; Phan đại Tư Nông…
Về danh sỹ trí thức tiểu biểu có Quận cộng Hồ Sỹ Dương tham tụng đông các đại học sỹ, Quận công Hồ Phi Tích ngự sữ thượng thư bồi tụng; Quận công Hồ Sỹ Đống đô ngự sử, tham tụng.
Dưới triều nhà Nguyễn tiêu biểu có các cụ Phan Hữu Tính, Văn Đức Giai, Dương Doãn Hài, Hồ Sỹ Tuần, Phạm Đình Toái, Hồ Trọng Định, Hồ Bá Ôn …
Tham gia phong trào cần vương tiêu biểu có Hồ Sĩ Lễ, Nguyễn Quý Yêm, Dương Quế Phổ, Dương Thúc Hạp, Phan Duy Phổ, Hồ Trọng Triêm, Hồ Trọng Toàn, Hồ Phi Tự..v.v.
Tham gia phong trào đông du, đông kinh nghĩa thục tiêu biểu có Trần Thị Trâm (bà lụa), Hồ bá Kiện, Cù sỹ Lương, Hồ Sỹ Hạnh, Hồ Thiện Trang, Hoàng Hữu Nhiễu, Nguyễn Xuân Lan.v.v
Tham gia phong trào cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo tiêu biểu có Hồ Tùng Mậu, Hồ Viết Thắng, Phan Hữu Khiêm, Dương Vũ Bản …và 80 người được công nhận là lão thành cách mạng; những tấm gương đó góp phần khẳng định Quỳnh Đôi là mảnh đất văn hiến là quê hương truyền thống cách mạng.
Các sinh hoạt văn hóa được thể hiện qua các lễ hội ở làng, biểu thị rất rõ ở sinh hoạt tế lễ của các dòng họ, để vượt lên các quan hệ họ tộc riêng lẻ từ xưa Quỳnh Đôi đã có các lễ hội của Làng như lễ kỳ phúc, lễ khai hạ… liên kết thành sức mạnh cộng đồng để bất cứ mỗi người dân nào cũng tham gia vào lễ hội. tiêu biểu là lễ Kỳ Phúc đầu xuân, dân trong xã rước kiệu Thần từ Đền về Đình làng để toàn dân cúng tế, cầu Thần linh bảo hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, học hành đỗ đạt, mọi nhà binh an hưởng phúc, Quốc thái dân an… do điều kiện mà trong một giai đoạn lễ hội này bị thất truyền; được sự gúp đỡ của Viện văn hóa Nghệ thuật Trung ương Quỳnh Đôiđã phục dựng lại lễ kỳ phúc vào xuân Nhâm thìn 2012 được UBND huyện công nhận. Từ nay cứ ba năm thì tổ chức rước một lần, còn hàng năm vẫn tổ chức lễ kỳ phúc ở Đền thần. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh mang tính truyền thống, thể hiện chiều sâu, độ dầy về văn hóa cộng đồng làng xã, sẻ trở thành biểu tượng cao nhất của tinh thần đại đoàn kết, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, tạo ra sức mạnh nội sinh để chúng ta tiếp tục xây dựng quê hương.
Nhìn lại quá trình hình thành, xây dựng và bảo vệ Làng, chúng ta tìm thấy ở tổ tiên, ông bà chúng ta những điều quý giá đó là; sức mạnh đoàn kết gắn bó cộng đồng; đó là đức tình cần cù hiếu học, trọng lễ nghĩa; đó là tinh thần tự lực tự cường; là lòng tự tôn về quê hương và trách nhiệm cá nhân với cộng đồng Làng xã.
Tháng 01 năm 2018
Tác giả bài viết: Bí thư Đảng uỷ Phan Đình Hiền
Nguồn tin: Facebook Làng Quỳnh Đôi
Ý kiến bạn đọc